Bệnh run và giải pháp trong điều trị - Tư vấn bởi GS.TS Lê Đức Hinh

A- A+

GS.TS Lê Đức Hinh – Chủ tịch hội thần kinh học Việt Nam đã giải đáp rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của độc giả.

Run là những cử động nhịp nhàng, không chủ ý của một hay nhiều bộ phận trên cơ thể như bàn tay, cánh tay, đầu, mặt, thân mình, chân,… Người bệnh thường không thể kiểm soát được các cử động vận động, thậm chí càng cố gắng điều khiển thì run lại càng tăng lên, thường thấy nhất là run ở bàn tay. Bệnh run chân tay có thể gây rất nhiều phiền toái cho cuộc sống người bệnh, đặc biệt là thường gây ra tâm lý tự ti, ngại tiếp xúc, cô độc. Trong khi đó việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thuốc đặc trị chung cho các chứng run, đồng thời cũng chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng.

Để người bệnh có cơ hội bày tỏ sự lo lắng, cũng như gải đáp những thắc mắc của mình về chứng run, ngày 10/05/2013 chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề "BỆNH RUN VÀ GIẢI PHÁP TRONG ĐIỀU TRỊ" đã được thực hiện trên website https://tuvansuckhoe24h.org, với sự tham gia của GS.TS Lê Đức Hinh – Chủ tịch hội thần kinh học Việt Nam đã giải đáp rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của độc giả.

Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, GS.TS Lê Đức Hinh đã chia sẻ rất nhiều kiến thức về bệnh run và trả lời hơn 40 câu hỏi của độc giả liên quan, giúp người đọc có hiểu biết hơn trong việc điều trị. Run có thể là bệnh hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như: bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson (do đột quỵ não, chấn thương sọ não, thiếu máu não mạn tính,…), rối loạn thần kinh thực vật, run ở người cao tuổi,... Tuy vậy xuất phát điểm chung của các tình trạng run vẫn là sự suy giảm, rối loạn chức năng của hệ thần kinh vận động, do quá trình thoái hóa, lão hóa, tổn thương não gây ra.

Một trong những quan tâm hàng đầu với rất nhiều câu hỏi của bệnh nhân gửi tới liên quan đến chứng run do rối loạn thần kinh thực vật và run vô căn (là những trường hợp run không tìm ra nguyên nhân). Biểu hiện đặc trưng là run thường tăng lên khi vận động, khi cố ý làm việc gì đó hay khi xúc động. Với những trường hợp này, Giáo sư Lê Đức Hinh khuyên người bệnh nên luyện tập để điều tiết cảm xúc, đồng thời tránh các chất kích thích vì có thể làm tăng nặng tình trạng run. Nếu run quá nặng đến mức ảnh hưởng đến sinh hoạt thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc. Tuy nhiên, hiện nay thuốc điều trị run vô căn chỉ mới dừng lại ở việc làm giảm triệu chứng nhất thời chứ không có khả năng điều trị tận gốc, người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc suốt đời. Vì vậy, bệnh nhân cần xin lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng để hạn chế tác dụng không mong muốn có thể gặp phải.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bệnh nhân Parkinson chia sẻ nỗi lo lắng khi chứng run ngày một tăng hoặc lo sợ tác dụng phụ của điều trị. Về vấn đề này, Giáo sư chia sẻ: với người bệnh Parkinson nếu hướng điều trị đúng, sử dụng thuốc điều trị với liều khởi đầu phù hợp thì trong vòng 10 -15 năm vẫn có thể kiểm soát được triệu chứng bệnh, nhưng nếu điều trị không đúng thì việc kiểm soát sẽ khó và gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, bệnh nhân Parkinson dùng thuốc liều cao và sử dụng lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng loạn động - tức là luôn luôn có những hoạt động tự phát không bình thường. Khi dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, người bệnh phải chấp nhận những tác dụng không mong muốn và bác sĩ sẽ căn cứ vào lợi ích và nguy cơ mà chỉ định cho người bệnh sử dụng.

Run do tai biến mạch não cũng là một vấn đề cần lưu ý ở người cao tuổi được các độc giả quan tâm. Những bệnh nhân đã từng bị tai biến mạch máu não nghĩa là một vài vùng của não đã bị tổn thương, trong đó có thể bao gồm cả vùng vận động. Vì vậy, khá nhiều trường hợp sau tai biến mạch não, hoặc sau bệnh viêm não… thấy xuất hiện các biểu hiện run giật ở bàn tay (có thể ở một hoặc cả 2 bên).

Giáo sư cũng cho biết thêm về xu hướng hiện nay đang được các bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn, đó là kết hợp các phương pháp điều trị của Đông – Tây y để tăng hiệu quả điều trị đồng thời tăng cường sức khỏe toàn trạng. Hiện nay đã có những sản phẩm Đông y với công thức tốt, phù hợp với bệnh cảnh chứng run. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả và độ an toàn cao nhất, người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia để được hướng dẫn cách sử dụng nhằm thu được hiệu quả và độ an toàn cao nhất.

Chứng run tuy không nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng nhưng lại gây rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, khiến người bệnh trở nên tự ti, khép kín. Rất ít chứng run có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng việc phát hiện sớm cũng như sự hiểu biết tốt của người bệnh giúp việc dự phòng và điều trị bệnh trở nên hiệu quả hơn.