Đã 27 năm kể khi được chẩn đoán bệnh Parkinson (1992) nhưng đến nay ông Chử Trọng Thành (Việt Trì, Phú Thọ) vẫn có thể đi lại nhanh nhẹn, thăm hỏi bạn bè trên mọi miền tổ quốc. Bởi quyết tâm chiến thắng bệnh tật, ông được bạn bè gọi với cái tên “chiến binh” Parkinson.
Ông Thành (người chính giữa bức ảnh) đi họp mặt bạn bè tháng 3/2019
Mắc bệnh ở độ tuổi 35 - khi còn dang dở rất nhiều dự định của một bác sĩ trẻ, ông Thành đã từng rất suy sụp, chán nản.
“Bệnh Parkinson không làm tôi chết ngay nhưng nó như một bản án chung thân khiến cuộc sống của tôi trở nên vô cùng bất tiện” - ông Thành trải lòng - “Thời gian đầu mắc bệnh, tôi dường như sống khép kín, ít khi giao tiếp với mọi người, kể cả những người thân. Bởi tôi ngại những ánh mắt, những lời bàn tán từ xung quanh”..
Những ngày tháng giấu mình ấy cũng là lúc ông Thành dần nhận ra “Dường như im lặng là tôi đang tiếp tay cho bệnh Parkinson lấn át mình. Bởi tôi cảm nhận rõ tình trạng run, cứng cơ cứ ngày một nặng lên. Thời gian này, khi bình tĩnh suy nghĩ lại tôi cũng nhận thấy bệnh Parkinson không thực sự đáng sợ. Bởi sinh lão bệnh tử là điều không một ai tránh khỏi, nhiều bệnh thời gian sống chỉ tính bằng ngày bằng tháng như ung thư, đột quỵ, có bệnh còn không nhận thức được bản thân là ai như bệnh mất trí, tâm thần”
Kể từ đó, ông Thành quyết gạt bỏ mặc cảm, tự ti để bắt đầu chiến đấu với bệnh tật.
“Tôi luôn cố gắng để không ai phải thương hại mình, để gia đình tôi không xấu hổ khi có người thân mắc bệnh”. Mỗi ngày, ông Thành đều tuân thủ uống thuốc điều trị theo đơn bác sĩ kê. Ông bật mí “Với căn bệnh này, thời điểm uống thuốc rất quan trọng. Cùng liều lượng, cùng loại thuốc nhưng nếu uống đúng thời điểm có thể duy trì hoạt động cả ngày. Tôi rút ra một kinh nghiệm là trước khi đi đâu đó, tôi sẽ uống một liều để bổ sung lượng thuốc nhất định cho cơ thể, hơn nữa cũng là để hạn chế bớt liều thuốc khi nghỉ ngơi”.
Ông Thành trong chuyến đi Sài Gòn tháng 4/2019
Ngoài sử dụng thuốc, ông Thành còn tích cực tập luyện mỗi ngày, “khi bị Parkinson, tôi tập không phải tập lấy khỏe mà tập để các cơ bắp dẻo dai, linh hoạt, mềm mại hơn. Thế nhưng, vì tay chân run rẩy lại dễ té ngã nên tôi cũng hết sức thận trọng để đảm bảo an toàn trong khi tập luyện. Khi được về hỏi một số bí quyết trong tập luyện, ông Thành cũng không ngại chia sẻ những bí quyết mà ông tích lũy suốt hai mấy năm:
- Khi đi cần cố gắng thẳng lưng, mắt nhìn thẳng và hít thở đều đặn
- Đi chậm, bước dài chân, 2 tay vung theo nhịp bước
- Thời gian đi bộ tối thiểu là 30 phút mỗi ngày, nếu có thời gian thì nên tập 2 lần sáng - chiều. Tùy vào thể trạng sức khỏe mà tập luyện, khi thấy mệt thì ngồi nghỉ, không nên bước nhanh, bước vội, gắng sức quá mức sẽ dễ té ngã
- Ngoài đi bộ, có thể lựa chọn thêm các hình thức tập luyện khác tùy theo sở thích cá nhân như bơi lội, khiêu vũ, tập dưỡng sinh..
Mắc bệnh lâu ngày khiến giọng nói của ông nhỏ và khó nghe hơn trước, nhưng với ông Thành, đây có lẽ lại là một lý do hoàn hảo để ông luyện hát mỗi ngày “Tôi trước đây không bao giờ hát hay tập văn nghệ. Nhưng khi bị bệnh, thấy hát karaoke giải tỏa được stress và cải thiện giọng nói nên tôi bắt đầu tập. Ban đầu hát nhỏ rồi to dần, ngân dài hơi hơn nên đến giờ tôi vẫn giữ được giọng nói to và rõ”. Phải chăng chính việc tập hát mỗi ngày nên ông Thành luôn tràn đầy năng lượng tích cực để tiếp thêm động lực cho những người bệnh xung quanh ông.
Ông Thành gặp gỡ và trò chuyện cùng giáo sư Lê Thẩm Dương
Không những thế, ông Thành còn tập sử dụng máy tính bảng, điện thoại, đọc báo mạng, tìm kiếm thông tin. Cũng nhờ internet mà ông đã kết nối được với những người bệnh Parkinson trên mọi miền tổ quốc. Hiện nay ông Thành là quản trị viên của nhóm Bệnh parkinson(PD)/hội chứng parkinson trên Facebook, là người phụ trách câu lạc bộ bệnh nhân Parkinson TP HCM. Đây không chỉ là nơi người bệnh Parkinson giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là nơi tiếp thêm nghị lực, niềm tin chiến đấu với căn bệnh này. Và ở ngôi nhà chung đó, họ gọi nhau là những “chiến binh” Parkinson.
Với ông Thành, chỉ cần giúp đỡ những người cùng chung hoàn cảnh với mình đã là một niềm vui, động lực rất lớn trong cuộc sống.
Ông luôn động viên và mong những người bệnh Parkinson hiểu rằng, “bệnh Parkinson thực sự không quá đáng sợ và sẽ càng không có gì nếu chúng ta quyết tâm. Chắc chắn, chúng ta không đầu hàng trước bệnh tật, không cô đơn khi chiến đấu với căn bệnh này. Vì mỗi người đều là một chiến binh Parkinson”.
Nguyễn An