Co giật nửa mặt là chứng bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều trở ngại, phiền phức cho cuộc sống cũng như sinh hoạt cho bệnh nhân. Những cơn giật liên tục ở mắt và miệng, khiến người bệnh mất dần sự tự tin, ngại giao tiếp, ngại xuất hiện trước đám đông, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần người bệnh. Vậy làm thế nào để khắc phục chứng bệnh co giật nửa mặt này khi mới mắc?
Co giật liên tục có thể khiến mắt và miệng của bệnh nhân chếch lên trên
Co giật nửa mặt là triệu chứng do tổn thương dây thần kinh số 7 do nhiều nguyên nhân. Đây là dây thần kinh có chức năng điều khiển các cơ di chuyển của lông mày, mắt, môi và miệng.
Ban đầu người bệnh thường thấy những cơn co giật thoáng qua ở mắt (máy mắt), sau đó lan dần đế cơ mày, trán, vòng miệng, gò má… Theo thời gian bệnh có thể khiến mặt người bệnh bị lệch về một bên với các biểu hiện co giật liên tục.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng co giật nửa mặt là do dây thần kinh số 7 bị chèn ép bởi các mạch máu ở thân não, hoặc có thể do khối u, do các tổn thương não như đột quỵ, nhiễm trùng hoặc di chứng sau chấn thương. Chính sự chèn ép này đã kích thích dây 7 truyền các tín hiệu thần kinh một cách tự phát, gây co giật ở 1 bên mặt của bệnh nhân.
Trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây bệnh, người ta gọi đó là co giật nửa mặt vô căn (nguyên phát).
Co giật nửa mặt thường khởi phát ở độ tuổi 50 - 60, xảy ra ở nửa mặt trái nhiều hơn là nửa bên phải, đồng thời tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cũng cao hơn.
Theo thời gian những cơn co giật sẽ xảy ra liên tục và nặng dần lên, khiến các góc của mắt và miệng có thể bị kéo chếch lên phía trên. Những co giật cũng có thể nặng hơn khi người bệnh thay đổi cảm xúc, lo lắng hay mệt mỏi, lâu ngày gây ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan như: nhắm mắt không kín, ngậm không khít miệng, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, nói năng và diễn tả cảm xúc tự nhiên trên khuôn mặt. Ngoài ra, sự chèn ép dây thần kinh còn có thể gây ù tai, đau tai hay tê một vùng đầu trong các cơn giật.
Chính những biến đổi khuôn mặt cũng như sự hạn chế trong ăn uống, nói năng đó khiến người bệnh mất đi tự tin, ngại giao tiếp, ngại xuất hiện trước nơi đông người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, khiến bệnh tiến triển ngày càng nặng nề hơn
Trong giai đoạn nhẹ, khi sự co giật xảy ra không thường xuyên, các bác sĩ có thể sử dụng một vài phương pháp để ức chế các kích thích từ dây thần kinh số 7 hoặc làm giãn cơ, từ đó giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Chọn thực phẩm khoa học có thể giúp làm giảm triệu chứng co giật cơ mặt
Chứng co giật nửa mặt sẽ tăng lên nếu bạn thường xuyên lo lắng, căng thẳng hoặc có lối sống chưa thực sự khoa học. Vì vậy phương pháp điều trị không thể thiếu khi bị co giật nửa mặt đó là áp dụng các cách giúp làm giảm stresss, căng thẳng, lo âu như tập thiền, yoga hoặc hít sâu thở chậm. Bên cạnh đó bạn cũng nên ăn uống lành mạnh, chọn rau xanh và các loại hoa quả tươi, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đúng giờ.
Một số loại thuốc chống động kinh, thuốc an thần có thể được kê toa để ức chế hoạt động tự phát của cơ mặt, giúp thư giãn cơ bắp nhờ đó làm giảm run giật.
Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc có thể giảm dần theo thời gian, vì vậy buộc phải tăng liều thường xuyên. Khi đó, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: khô miệng, táo bón, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp tư thế, hoang tưởng hay ảo giác…
Khi việc dùng thuốc tỏ ra kém hiệu quả, triệu chứng bệnh tăng dần bác sĩ có thể chỉ định tiêm botox. Mặc dù phương pháp này vẫn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng sẽ giúp làm giãn các cơ bắp, cải thiện triệu chứng lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc chỉ kéo dài tầm 2 - 4 tháng sau đó phải tiêm nhắc lại. Thuốc cũng có thể gây ra một số hệ quả như sụp mí mắt, nhìn đôi, yếu cơ...
Như vậy, mặc dù gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như cuộc sống cho bệnh nhân, nhưng co giật nửa mặt thực sự là một căn bệnh không quá nguy hiểm. Y học ngày nay hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị các triệu chứng khó chịu mà căn bệnh gây ra. Việc bạn cần làm là hãy đến khám tại các chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Xem thêm:
Nguồn:
https://www.healthline.com/health/hemifacial-spasm#outlook
https://www.imperial.ac.uk/business-school/programmes/msc-business-analytics/?gclid=EAIaIQobChMIzvSf5cr43gIVCx4qCh11DgZUEAEYASAAEgI9xvD_BwE
http://weillcornellbrainandspine.org/condition/hemifacial-spasm/symptoms-hemifacial-spasm