Hiểu về virus corona để chủ động phòng chống bệnh

A- A+

Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV (viêm phổi Vũ Hán) là "tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế” với quy mô lan rộng tới hơn 20 quốc gia, tổng số người tử vong 213, và 9.807 nhiễm bệnh. Tại Việt Nam có 5 trường hợp mắc viêm phổi do virus Corona.

Bất chấp nỗ lực của Trung Quốc và các nước, dịch viêm phổi Vũ Hán chắc chắn vẫn tăng lên từng ngày gây không ít hoang mang cho người dân Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để phòng ngừa và đối phó với dịch bệnh? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây

Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải tới mọi người: Virus Corana đáng sợ, nhưng đừng quá sợ. Chúng ta cần nhìn nhận dưới góc độ khách quan nhất, để chủ động phòng ngừa, đối phó, chứ không phải để rơi vào tình trạng lo âu quá mức, mà bệnh “run rẩy” lại được đà tăng theo!

Virus Corona – hiểu thế nào cho đúng?                                   

Virus corona là một họ virus lớn, có nhiều loại, có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Chủng coronavirus năm 2019 (virus 2019-nCoV ) là một chủng mới chưa được xác định trước đây ở người. Nó còn được gọi là viêm phổi Vũ Hán do virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

 Coronavirus – hay còn gọi là viêm phổi Vũ Hán

Coronavirus – hay còn gọi là viêm phổi Vũ Hán

Con đường lây nhiễm

Virus Corona ban đầu xuất hiện từ động vật hoang dã (theo nhiều thông tin cho rằng là từ dơi, rắn – tuy nhiên chưa có thông tin chính thức) nhưng có khả năng cao lây lan từ người sang người và sự lây lan này có thể xảy ra liên tục.

Vậy, ở người, virus lây lan như thế nào: Nó có thể lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh khi họ ho, hắt hơi hay bắt tay, những dịch hô hấp dính vào niêm mạc miệng, mũi, mắt của người tiếp xúc gần.

Virus Corona cũng có thể bị lây từ việc người khác chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ như cầm tay nắm cửa, bấm thang máy,... Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Có điều đặc biệt là thời gian tồn tại ở ngoài môi trường của loại virus này ngắn, chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Ở điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian sống của chúng.

Tuy vậy, không phải bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus Corona một cách dễ dàng. Những người có khả năng cao lây nhiễn là những người có hệ thống miễn dịch kém, người cao tuổi, người mắc các bệnh nền khác, như bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bị lupus ban đỏ mạn tính, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép, hoặc dùng corticoid trong điều trị bệnh xương khớp…

 Các triệu chứng khi mắc virus Corona

Các triệu chứng khi mắc virus Corona

Triệu chứng cảnh báo của bệnh Cúm Vũ Hán

Các triệu chứng sốt, ho và khó thở có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Lưu ý là, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV 2019 là: 19003228.

Khi phát hiện bản thân hay người thân có các dấu hiệu nghi ngờ cúm, cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và làm xét nghiệm. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.

Ba cách “đối phó” với Virus Corona

Sau đây là những lưu ý để bạn chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả:

Cách ly người nhiễm/nghi ngờ nhiễm Virus Corona

Cách ly người/nhóm người mắc bệnh để hỗ trợ điều trị, không cho virus có cơ hội nhiễm tiếp sang người khác là cách để ngăn chặn dịch hiệu quả nhất mà các nước đang làm với loại virus này, tránh dịch bệnh không tiếp tục bùng phát.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa khuyến nghị người dân không nên đi/đến khu vực đang có dịch tại Trung Quốc nếu không cần thiết. Những người trở về vùng có dịch tại Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Trong thời điểm này, bạn cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh: Tránh đến chỗ đông người, nếu bắt buộc phải đến chỗ đông người thì nên đeo khẩu trang y tế; Rửa tay thường xuyên bằng xà bông (Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn); Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch….

Tăng cường sức đề kháng để chống lại nguy cơ lây bệnh

 Tăng sức đề kháng cho cơ thể là cách chống lại virus Corona

Tăng sức đề kháng cho cơ thể là cách chống lại virus Corona

Tự tăng cường sức đề kháng là cách chủ động để phòng chống virus Corona một cách tích cực nhất. Bạn cần phối hợp một cách toàn diện từ việc điều chỉnh lối sống, quản lý căng thẳng, stress; điều chỉnh chế độ ăn,... để giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh. Cụ thể:

- Ăn nhiều trái cây và rau củ quả tươi để tăng chất chống oxy hóa tự nhiên cho cơ thể. Cung cấp cho cơ thể các vitamin C, A, E chống oxy hóa bằng cách ăn hoa quả như cam quýt, bưởi, táo, kiwi… tốt hơn là sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng để bổ sung.

- Uống đủ nước mỗi ngày 2 lit nước ấm

- Ăn giảm mỡ, thịt đỏ, chất đường bột, muối, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh để giảm bớt rác thải trong cơ thể

- Tăng cường tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút bằng các môn thể thao vừa sức nhằm giúp máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó chống viêm và stress oxy hóa tế bào hiệu quả hơn.

- Ngừng hút thuốc; hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, chè đặc,... để hạn chế yếu tố gây stress cho cơ thể

- Quản lý tốt căng thẳng, stress, không nên quá lo lắng bởi điều này sẽ làm tăng sản xuất ra những chất gây viêm, stress cho cơ thể.

- Nhớ giữ ấm cơ thể

Lựa chọn đúng loại khẩu trang và đeo đúng cách

Trước nguy cơ bùng phát dịch, mọi người đổ xô nhau đi mua khẩu trang. Tuy nhiên, bạn không cần đầu tư quá nhiều tiền để mua những loại khẩu trang đắt tiền. Vì hiện nay chỉ cần khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp là đã có thể sử dụng để ngăn chặn sự xâm nhập của loại Virus này, bởi lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt xì, ho hay thở mạnh... Tuy nhiên để có hiệu quả bạn cần lưu ý những điều sau:

- Phải để mặt xanh ra ngoài khi đeo khẩu trang do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

- Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.

- Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.

Như vậy Virus Corona không đáng sợ. Đáng sợ là chúng ta không biết cách chủ động phòng ngừa và đối phó. Đáng sợ hơn nữa là lo lắng thái quá mà quên đi những việc cần làm như đã đề cập trong bài viết. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe của chính mình và gia đình!