Rối loạn thần kinh tự chủ là một trong những biến chứng thường gặp ở người bệnh Parkinson. Theo ước tính, 50 – 55% trường hợp người bị Parkinson mắc phải biến chứng rối loạn thần kinh tự chủ ở giai đoạn muộn của bệnh. Hệ thần kinh tự chủ, hay còn gọi là hệ thần kinh thực vật, có vai trò điều khiển các chức năng tự động của cơ thể như hoạt động của tim, tiêu hoá thức ăn, đổ mồ hôi, tiểu tiện… Vì vậy, rối loạn thần kinh tự chủ gây ra không ít khó khăn và có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh Parkinson. Hiểu rõ về biến chứng này cũng như cách điều trị sẽ là chìa khoá quan trọng giúp cho người bệnh chủ động phòng ngừa và biết cách xử lý khi gặp phải tình trạng này.
Hạ huyết áp tư thế thường hay xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh Parkinson, xảy ra khi huyết áp tâm thu giảm 20 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương giảm 10 mmHg trong vòng 3 phút sau khi đứng. Các triệu chứng bao gồm chóng mặt, hoa mắt, bủn rủn chân tay hoặc có thể choáng ngất khi chuyển đổi đột ngột tư thế từ nằm sang đứng. Ngoài nguyên nhân do sự tiến triển của bệnh Parkinson, một số thuốc điều trị khi dùng dài ngày gây giãn mạch ngoại vi cũng góp phần dẫn đến hạ huyết áp tư thế, ví dụ như L-dopa, bromocriptine.
Hạ huyết áp tư thế có thể được cải thiện bằng một số biện pháp không dùng thuốc giúp tăng thể tích tuần hoàn và giảm ứ trệ máu tĩnh mạch. Người bệnh nên uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước/ ngày), đặc biệt vào buổi sáng, và ăn nhiều muối (ít nhất 8 g muối/ngày) để giữ nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh đứng lên quá nhanh, thay đổi tư thế đột ngột. Buổi sáng khi ngủ dậy, nên hít thở sâu vài phút, sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng. Nâng đầu cao 15 – 20 cm khi ngủ trong đêm hoặc đeo miếng ép vùng bụng, đùi cũng là những cách hiệu quả giúp giảm nguy cơ hạ huyết áp tư thế.
Nếu như các biện pháp trên không làm cải thiện tình hình, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc làm tăng thể tích tuần hoàn như fludrocortison, tăng vận mạch như midodrine. Lưu ý ở bệnh nhân Parkinson kèm thêm bệnh lý cao huyết áp, thì các thuốc hạ huyết áp nếu đang sử dụng cần phải được xem xét loại bỏ để tránh làm trầm trọng thêm hạ huyết áp tư thế.
Người bệnh Parkinson có thể bị choáng ngất do hạ huyết áp tư thế.
Hiện tượng này rất hay xảy ra ở người cao tuổi mắc Parkinson, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến sụt cân, mất nước và suy dinh dưỡng ở người bệnh. Các triệu chứng này nếu diễn ra thường xuyên có thể gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến viêm phổi hoặc tử vong ở người bệnh.
Ở người khỏe mạnh, các cơ ở hầu họng co thắt để tống thức ăn xuống thực quản. Hiện tượng khó nuốt xảy ra chủ yếu do hai nguyên nhân là rối loạn vận động các cơ hầu họng hoặc do nghẹt ở hầu. Ở người bệnh Parkinson, hiện tượng khó nuốt thường do rối loạn vận động các cơ hầu họng gây nên.
Để hạn chế các triệu chứng khó nhai, khó nuốt, nên cho người bệnh dùng các loại thức ăn mềm, lỏng nhiều chất dinh dưỡng. Với một số trường hợp nặng như khó nuốt gây trào ngược dịch dạ dày, thì cần luyện tập thường xuyên phần cơ vận động nuốt cho người bệnh. Trong trường hợp người bệnh Parkinson giai đoạn muộn có triệu chứng khó nuốt nghiêm trọng, cần đưa người bệnh đến bệnh việc để được điều trị bằng phương pháp thông ống vận chuyển thẳng chất dinh dưỡng và nước uống vào dạ dày.
Xem thêm: TPCN Vương Lão Kiện - giúp làm giảm các chứng run.
Đây là một trong những rối loạn điển hình nhất mà người bệnh Parkinson hay mắc phải khi bị rối loạn thần kinh tự chủ. Các hiện tượng này xảy ra một phần do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc điều trị Parkinson dài ngày, làm cho người bệnh khó tiêu, khó tiểu hoặc tiểu tiện không kiểm soát được.
Người bệnh Parkinson giai đoạn muộn hay gặp hiện tượng táo bón, nhất là đối với người cao tuổi. Táo bón xảy ra do ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị làm chậm nhu động ruột và mất nước. Người bệnh mắc táo bón lại càng khó hấp thu chất dinh dưỡng và các loại thuốc điều trị Parkinson, làm bệnh ngày một nặng hơn. Để cải thiện tình trạng táo bón, người bệnh nên vận động để kích thích hệ tiêu hoá, uống thêm nước và có chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ. Cuối cùng, có thể tìm đến sự trợ giúp của các loại thuốc nhuận tràng như polyethylene glycol, bisacodyl, macrogol…
Rối loạn chức năng bàng quang gây kích thích cơ cấu tạo thành bàng quang, làm tăng số lần đi tiểu và tiểu đêm. Ngoài ra, người bệnh Parkinson bị ảnh hưởng bệnh làm tâm lý bất ổn hay lo lắng, trầm cảm dẫn đến căng thẳng gây ức chế làm tăng hoạt động của bàng quang. Bên cạnh đó, đái rắt, khó đi tiểu lúc đầu hay tái nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng là những vấn đề người bệnh thường gặp phải. Các thuốc điều trị giúp giảm co thắt cơ bàng quang và đường niệu như oxybutynin, tolterodine có thể cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám để được xét nghiệm cụ thể đánh giá chức năng của bàng quang, qua đó có chỉ định dùng thuốc với liều lượng phù hợp.
Vật lý trị liệu giúp người bệnh Parkinson duy trì hoạt động cơ
Rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật có thể gây ra rất nhiều vấn đề về tình dục ở người bệnh Parkinson như rối loạn cương, không thể xuất tinh ở nam giới hay khô âm đạo ở nữ giới. Và ở cả hai giới đều khó đạt được cực khoái. Các triệu chứng của bệnh như run, cứng cơ cũng gây khó khăn cho hoạt động tình dục của người bệnh.
Một số thuốc điều trị Parkinson cũng có thể làm giảm ham muốn và khả năng đáp ứng tình dục. Nhưng cũng có một số trường hợp sử dụng thuốc điều trị hay phẫu thuật kích thích não sâu lại làm tăng ham muốn nhưng tác dụng phụ này rất hiếm gặp.
Để cải thiện chất lượng tình dục, người bệnh có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý và luyện tập. Trước tiên cần nghỉ ngơi, thư giãn và tránh trầm cảm, lo âu, để giúp cuộc sống vui khỏe hơn, từ đó cải thiện ham muốn tình dục. Các triệu chứng Parkinson thường ít hơn rõ rệt vào buổi sáng, vì vậy có thể tận dụng thời gian này để thực hiện sự thân mật. Những phương pháp tập luyện như thiền, yoga… cũng rất hữu ích đề giảm mệt mỏi, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, từ đó cải thiện chất lượng tình dục cho người bệnh.
Xem thêm: Một số bài tập yoga cho người bệnh run
Bên cạnh đó, người bạn đời cũng đóng một vai trò rất quan trọng, cần thể hiện sự quan tâm bằng lời nói, chăm sóc nhẹ nhàng hoặc có thể dành tặng những lời khen để đối phương cảm thấy được chia sẻ và tự tin hơn trong cuộc sống. Nếu cần thiết, các cặp vợ chồng có thể sử dụng thêm những biện pháp hỗ trợ như dầu bôi trơn để tăng chất lượng cuộc yêu hoặc tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn.
Biến chứng thần kinh tự chủ gây ra rất nhiều khó khăn cho người bệnh Parkinson. Hầu như tất cả các hoạt động hàng ngày của người bệnh Parkinson giai đoạn cuối đều bị đảo lộn do những khó khăn từ việc thay đổi tư thế, ăn uống, tiểu tiện và sinh dục. Chính vì vậy, người bệnh cần có phương pháp điều trị, dinh dưỡng và vận động thích hợp để có thể cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng tiến triển. Đặc biệt, sự quan tâm chăm sóc và hỗ trợ thường trực của gia đình sẽ là yếu tố then chốt giúp người bệnh vượt qua được những khó khăn trong sinh hoạt, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xem thêm:
- Câu chuyện về vợ chồng ông Hưởng, bà Thơm về điều trị parkinson sau tai biến.
- Chữa bệnh parkinson bằng đông y
Tú Trinh
Nguồn tham khảo:
http://www.ncbi.nlm.nih.gov
http://www.medscape.com