Triệu chứng của run vô căn và run do Parkinson thường khác nhau nhưng thực tế bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm dẫn đến các phương pháp điều trị sai lầm.
Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân bị run khi đi khám thường bị chẩn đoán nhầm hoặc kết luận vội vàng là Parkinson, điều này dẫn đến những phương pháp điều trị sai lầm, khiến bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Thực tế có một thể run rất hay gặp và dễ nhầm với hội chứng Parkinson đó là run vô căn. Vậy, run vô căn và run do Parkinson, làm thế nào để nhận biết được sự khác nhau?
Các đặc tính được liệt kê trong bảng dưới đây có thể phần nào giúp người bệnh phân biệt giữa bệnh run do Parkinson và run vô căn:
Đặc điểm của run do Parkinson | Đặc điểm của run vô căn |
Biên độ dao động cao. Tần số thấp và chậm hơn (3 - 5Hz) | Biên độ thấp. Biên độ có thể dao động từ biên độ thấp mà vẫn nhận thấy run rõ ràng cho tới run biên độ cao. Tần số cao và nhanh hơn (4 - 12Hz) |
Run tăng khi nghỉ | Run tăng khi vận động |
Chuyển động chậm chạp, cứng khớp, tư thế không vững | Đặc trưng của run vô can là run tư thế và/hoặc run vận động |
Bệnh do các tế bào liềm đen bị thoái hóa nên không sản xuất đủ lượng Dopamine cần thiết cho cơ thể. Khoảng 10% xuất hiện bệnh do yếu tố di truyền | 50% run vô căn xuất hiện ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh |
Bệnh thường khởi phát ở tuổi 55 - 56, bắt đầu phổ biến nhất ở tuổi trung niên | Gặp ở nhiều lứa tuổi từ trẻ cho tới già, run vô căn thường khởi phát và đạt đỉnh ở 2 thời điểm là trước 20 tuổi hoặc sau 60 tuổi. |
Run khi nghỉ hoặc run tư thế (tái xuất hiện), run tư thế được nhận thấy sau mỗi 5 giây nghỉ, hiếm khi run động. | Run tư thế hoặc run động, run tư thế có thể quan sát được ngay lập tức, ít gặp khi nghỉ |
Tính chất khởi phát điển hình của Parkinson là không đối xứng mà dấu hiệu phát hiện đầu tiên thường thấy nhất là run lắc vẫy. Một thời gian sau, bệnh tiến triển và xuất hiện triệu chứng cứng khớp, di chuyển chậm chạp và các vấn đề về bước đi (rối loạn dáng đi) | Run xuất hiện ở cả 2 bên cơ thể ngay từ ban đầu hoặc là run đơn độc ở đầu không kèm theo dấu hiệu loạn trương lực cơ |
Triệu chứng không giảm khi dùng rượu | Triệu chứng giảm khi dùng một chút rượu |
Thường cải thiện khi điều trị với levodopa | Không cải thiện khi điều trị với levodopa |
Tay bị ảnh hưởng nhiều hơn chân, giọng nói, chữ viết nhỏ dần | Tay bị run chủ yếu, đầu cũng có thể bị run dọc (kiểu gật đầu) hoặc run ngang (kiểu lắc đầu). Giọng nói trở nên run khi cá cơ thanh quản bị xâm phạm nhưng thường có đặc tính đơn điệu, không thường xuyên và rõ nhất ở thì thở ra |
Trong cả 2 trường hợp run, các triệu chứng nặng hơn khi thay đổi cảm xúc hoặc căng thẳng |
Mức độ nghiêm trọng của run vô căn và hậu quả có thể khác nhau rất nhiều ở mỗi người bệnh tùy thuộc vào tình trạng run nặng hay nhẹ. Ở những trường hợp bệnh tiến triển xấu dẫn đến tình trạng run nghiêm trọng, người bệnh thậm chí không thể thực hiện được các động tác đơn giản trong cuộc sống hàng ngày và luôn cần sự giúp đỡ của người thân. Một số thống kê cho thấy số lượng người bị run vô căn lớn hơn so với run do parkinson. Tình trạng run do rối loạn lo âu, trầm cảm có thể tăng nặng các triệu chứng của cả 2 loại run này.Nhiều sự khác biệt tồn tại giữa run vô căn và bệnh Parkinson, nhưng có ý kiến cho rằng có khoảng 20% bệnh nhân bị run vô căn có thể phát triển thành bệnh Parkinson. Tuy nhiên, thực tế điều này vẫn chưa được làm sáng tỏ và vẫn là một đề tài gây tranh cãi.
Thiếu hụt Dopamin gây ra bệnh Parkinson
Run vô căn thường gắn liền với yếu tố di truyền (được biết đến run lành tính, gia đình), nhưng không xác định được gen gây run cụ thể. Để phân biệt giữa run vô căn và run do parkinson, một hình ảnh quét não được thực hiện để đo sự hấp thu của dopamine, chẳng hạn như DaTscan. Dopamine thường bị suy giảm ở những bệnh nhân Parkinson nhưng không suy giảm ở những bệnh nhân bị run vô căn. Vì vậy, phương pháp này cho phép chẩn đoán một cách chính xác sự suy giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở người bệnh Parkinson và là một công cụ để giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hai thể run trong trường hợp khó phân biệt..
Xem thêm:
- Bệnh Parkinson có di truyền không?
- Chữa bệnh parkinson bằng đông y
Nguồn tham khảo: http://www.essentialtremor.org