Chế độ ăn Địa Trung Hải cho người bệnh run vô căn

A- A+

Run vô căn là chứng rối loạn vận động phổ biến nhất, có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Việc chữa trị cho căn bệnh này khó khăn hơn các loại run khác do chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh là một giải pháp tối ưu. Và chế độ dinh dưỡng là một trong những lựa chọn đơn giản, hữu hiệu.

1. Chế độ ăn Địa Trung hải là gì?

Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet) được dùng để chỉ tập quán ăn uống lâu đời của dân chúng một số quốc gia ven vùng Địa Trung Hải. Đặc trưng cơ bản của chế độ ăn uống này là ăn nhiều rau củ, hoa quả, ngũ cốc, cá, các chất béo chưa bão hoà (có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật, cá), hạn chế ăn các chất béo bão hoà (có nhiều trong thịt động vật), sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm và thịt đỏ, uống rượu ít hoặc ở mức độ vừa phải.

Chế độ dinh dưỡng này đã được nghiên cứu và chứng minh là lành mạnh cho sức khoẻ, đặc biệt tốt cho các bệnh do thoái hóa não thần kinh, tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, tiểu đường, đau khớp… Quả thực, nguồn thực phẩm dồi dào omega-3, chất béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật (dầu ô liu, dầu lạc, dầu hạt cải…) và cá (cá hồi, cá trích, cá nục, cá mòi…) luôn có mặt trong chế độ ăn này. Omega-3 được biết đến là một chất dinh dưỡng quan trọng tham gia vào các quá trình chuyển hoá của cơ thể, đem lại sức khoẻ tổng thể. Ngoài ra, omega -3 cũng được chứng minh là giúp cải thiện rối loạn nhịp tim, giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân tim mạch. Chất béo chưa bão hoà này còn có hoạt tính chống viêm, góp phần cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Đặc biệt, omega -3 còn được chỉ định bổ sung cho các trẻ em bị rối loạn phát triển, người mắc các bệnh thoái hoá thần kinh (Alzheimer, trầm cảm…). Một yếu tố quan trọng khác là do hạn chế các loại thịt động vật, lượng cholesterol xấu đưa vào cơ thể giảm, đồng thời chất chống oxy hoá từ thực vật được bổ sung. Nhờ vậy, chế độ ăn Địa Trung Hải đã đem lại sức khoẻ tốt, làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tật cho cư dân nơi đây.

Tháp dinh dưỡng Địa Trung Hải

Tháp dinh dưỡng Địa Trung Hải

2. Giảm nguy cơ mắc chứng run vô căn nhờ chế độ ăn Địa Trung Hải

Run vô căn là bệnh lý thường gặp nhất trong số các rối loạn vận động với tỷ lệ mắc phải là khoảng 4% người trưởng thành. Mặc dù cơ chế bệnh sinh của chứng bệnh này chưa được hiểu rõ, khoa học cũng đã chỉ ra một trong các yếu tố nguyên nhân gây bệnh là do dinh dưỡng, gây thoái hoá tế bào thần kinh. Khi tế bào thần kinh bị tổn thương hoặc thiếu hụt chất dẫn truyền thì sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong dẫn truyền thần kinh, tất yếu việc xử lý thông tin sẽ bị sai lệch, và triệu chứng run tay chân. xuất hiện. Để hạn chế sự hình thành hoặc phát triển bệnh, ngoài yêu cầu phải có phương pháp điều trị phù hợp, thì việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng giúp loại bỏ bớt các nguy cơ gây bệnh. Và chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải trở thành sự lựa chọn hợp lý.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải có tác dụng tích cực đối với các bệnh do thoái hóa thần kinh. Trên cơ sở đó, một nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã bước đầu đưa ra giả định về sự tác động tương tự của chế độ ăn này đối với chứng bệnh run vô căn, một bệnh được cho là do tổn thương thần kinh ở một số phần của não gây nên. Nghiên cứu được tiến hành trên 148 người bệnh run vô căn và 250 người khoẻ mạnh đã cho thấy sự giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh này với những người duy trì chế độ ăn Địa Trung Hải lâu dài. Mặc dù những cơ chế cụ thể của mối tương quan giữa chế độ ăn này và bệnh run vô căn còn cần được nghiên cứu sâu hơn, kết quả này đã mở ra triển vọng lớn đối với những người bị chứng rối loạn vận động này. Quan trọng hơn, đây có thể là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu chứng run vô căn nếu áp dụng thường xuyên trong các bữa ăn hằng ngày.

   • Vai trò của Thiên Ma, Câu Đằng với chứng run vô căn

   • Giải pháp cho các chứng run chân tay

3. Ăn như người Địa Trung Hải để giảm run vô căn

Chế độ ăn Địa Trung Hải từ lâu đã được xem như “huyền thoại” trong lĩnh vực dinh dưỡng khi tác dụng tích cực đến hều hết các cơ quan thiết yếu của con người: tim mạch, thần kinh, khớp… Một trong những lợi điểm của chế độ ăn này là mọi người có thể áp dụng trong suốt cuộc đời. Người bệnh run vô căn, người có nguy cơ mắc bệnh run vô căn hoặc tất cả những ai lo sợ mắc phải căn bệnh này đều có thể áp dụng chế độ ăn khoa học của cư dân vùng Địa Trung Hải.

Rau, trái cây và cá xứ lạnh là đặc trưng của chế độ ăn Địa trung Hải

Rau, trái cây và cá xứ lạnh là đặc trưng của chế độ ăn Địa trung Hải

Dưới đây là gợi ý về các thực phẩm theo chế độ dinh dưỡng Địa trung Hải

* Các loại rau củ, hạt: Đây là thành phần được sử dụng chủ yếu trong các bữa ăn của cư dân ven biển Địa Trung Hải. Họ chọn các loại quả có màu đậm: cà chua, cà tím, các loại ớt chuông, đậu gà… các loại hạt nguyên vỏ lụa: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó… bên cạnh đó, gạo và yến mạch cũng được sử dụng để cung cấp tinh bột.

* Chất béo: Chế độ ăn Địa Trung Hải không đòi hỏi phải loại bỏ chất béo, ngược lại nên sử dụng những chất béo có lợi cho sức khỏe, đó là các chất béo chưa bão hòa. Các chất béo này có nhiều trong cơ thể các loại cá xứ lạnh như cá hồi, cá tuyết, cá nục… hoặc có nguồn gốc thực vật, nhất là trong dầu ô liu. Tuy nhiên ở Việt Nam, có thể thay thế bằng sản phẩm dễ tìm hơn như dầu lạc, dầu hạt cải, dầu đậu nành.

Nên hạn chế tối đa các loại thịt đỏ, thay vào đó là cá biển, thịt gia cầm. Tuy nhiên, tần suất cũng hạn chế ở mức 2 đến 3 bữa cá/thịt gà/1 tuần.

Hiện nay vẫn chưa có đánh giá chính xác mức độ giảm nguy cơ và giảm run của chế độ ăn Địa Trung Hải đối với người có nguy cơ cao hay người mắc chứng run vô căn, nhưng tác động tích cực của nó là không thể chối cãi. Chính vì thế, mặc dù cái tên Địa Trung Hải nghe có vẻ xa xôi nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng áp dụng chế độ ăn này ngay bây giờ, tại đất nước Việt Nam theo những hướng dẫn phía trên, để phòng ngừa không chỉ bệnh run vô căn mà có một cơ thể khỏe mạnh nhất...

Xem thêm: 

Chữa run tay bằng đông y

Kinh nghiệm điều trị run tay từ người trong cuộc

Cẩm Ngọc

Nguồn tham khảo: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/