Parkinson là bệnh lý mãn tính do rối loạn thoái hóa hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng đến vùng não điều khiển vận động, dẫn tới các triệu chứng như run và cứng cơ, chậm cử động, dáng đi không vững. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và do tính chất tiến triển, các triệu chứng luôn tiếp diễn và trầm trọng hơn theo thời gian, kéo theo nhiều biến chứng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Hiện có gần 1 triệu người Mỹ đang chung sống với bệnh Parkinson. Nhiều nghiên cứu đã và đang được tiến hành nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị cho căn bệnh vẫn còn nhiều “bí ẩn” này.
Từ nhiều năm nay, khoa học đã tích cực nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên quan giữa bệnh lý đường tiêu hóa và bệnh Parkinson. Có rất nhiều bằng chứng khiến các nhà thần kinh học tin rằng Parkinson khởi phát từ ruột, tuy nhiên cho đến nay nghi vấn này vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Nghiên cứu mới đây của Đại học Aarhus ở Đan Mạch đã cung cấp một bằng chứng quan trọng, góp phần củng cố thêm giả thuyết Parkinson bắt đầu ở ruột và lan lên trên qua hệ thống thần kinh đến não. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Annals of Neurology – tạp chí chính thức của Hiệp hội Thần kinh Mỹ.
Mối liên hệ giữa bệnh loét dạ dày tá tràng và bệnh Parkinson đã được đặt ra từ năm 2006. Người ta nhận thấy với các bệnh nhân bị Parkinson có nhiễm H. pylori (vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng), sau khi điều trị bằng kháng sinh diệt H. pylori thì sự hấp thụ levodopa (thuốc điều trị Parkinson) của bệnh nhân được cải thiện. Biểu hiện là số thời gian đáp ứng thuốc (thời gian bệnh nhân vận động bình thường trong ngày) tăng lên.
• Xem thêm: Giải pháp hỗ trợ giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh Parkinson
Viêm loát dạ dày, tá tràng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Một nghiên cứu khác vào năm 2012 trên 4480 bệnh nhân Đan Mạch cho thấy việc sử dụng các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng (kháng sinh diệt H. pylori và thuốc ức chế bơm proton) có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson tương ứng là 45 và 23%. Như vậy viêm loét dạ dày tá tràng (có hoặc không nhiễm khuẩn H.pylori) có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
Để làm rõ hơn vai trò của viêm loét dạ dày tá tràng với bệnh Parkinson, nghiên cứu của Đại học Aarhus đã tập trung tìm hiểu tỷ lệ mắc bệnh Parkinson ở những bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh phế vị làm nhiệm vụ chính trong dẫn truyền thần kinh từ não xuống dạ dày – ruột. Việc cắt đứt dây thần kinh này làm gián đoạn chức năng điều khiển hệ tiêu hoá của thần kinh phó giao cảm, khiến cho các tế bào niêm mạc dạ dày giảm bài tiết acid dịch vị. Đây là phẫu thuật phổ biến trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng trước những năm 90.
Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson nhờ cắt dây thần kinh phế vị
Tỷ lệ mắc bệnh Parkinson trên 15000 bệnh nhân đã phẫu thuật cắt dây thần kinh phế vị được so sánh với tỷ lệ chung trên người Đan Mạch. Kết quả thống kê cho thấy tỷ lệ phát triển Parkinson trong nhóm đã phẫu thuật cắt toàn bộ dây thần kinh phế vị là ít hơn. Tuy nhiên tỷ lệ này không giảm đối với nhóm bệnh nhân chỉ có một phần nhỏ của dây thần kinh phế vị bị cắt đứt. Như vậy, dây thần kinh phế vị có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson. Nó có thể là đường dẫn truyền các tác nhân gây thoái hoá thần kinh từ ruột vào não, khiến cho việc cắt bỏ hoàn toàn dây thần kinh phế vị có vai trò bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau này.
Mặc dù cần thêm nhiều nỗ lực làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh, nghiên cứu này đã góp phần củng cố giả thuyết bệnh Parkinson có thể bắt nguồn từ ruột. Thành quả này được coi như một miếng ghép quan trọng giúp chúng ta hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, và một ngày nào đó sẽ góp phần tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa căn bệnh Parkinson.
Nguồn tham khảo: http://www.parkinsons.org.uk/ http://www.parkinson.org/