Chì có thể đi vào cơ thể qua da, đường hô hấp, tiêu hóa và gây tổn thương hệ thần kinh – cơ, dẫn đến chứng run tay chân, co giật, teo cơ…
Chì là kim loại được ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống như khoa học, y dược, công nghiệp, năng lượng... và góp phần không nhỏ trong sự phát triển về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành công nghiệp chì cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Những người thường xuyên hít thở không khí, sử dụng nước, tiếp xúc với những vật dụng hàng ngày như báo chí, đồ thủy tinh, nhựa, xăng dầu… có hàm lượng chì cao sẽ bị nhiễm độc và để lại những di chứng do tổn thương thần kinh như run tay chân, suy giảm trí nhớ, nhận thức, trẻ chậm phát triển…
Chì có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp, qua da hoặc đường tiêu hóa. Ở nồng độ < 30mg/dL, chì được coi là an toàn. Nhưng nếu ở nồng độ 30 – 40 mg/dL và tồn tại trong một thời gian dài, thì chì có thể tích tụ lại ở trong xương và mô mềm, gây ngộ độc mạn tính: làm giảm quá trình chuyển hóa đường; gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu, làm giảm tuổi thọ hồng cầu và khiến hồng cầu dễ vỡ; suy giảm chức năng của tuyến yên, tuyến giáp và giảm yếu tố tạo xương (đặc biệt chì có thể tích tụ trong xương tới 30 – 40 năm mới được đào thải).
Ngộ độc chì có thể làm tổn thương tới hệ thần kinh, hệ nội tiết, suy giảm chức năng của các cơ quan và rối loạn các quá trình chuyển hóa… Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy ở người tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với chì đó là chứng run chân tay.
Khi nồng độ chì trong máu 70 mg/dL sẽ gây tổn thương mô não, tế bào não, phù não với các biểu hiện co giật, mê sảng, liệt giả thần kinh (các ngón tay, bàn tay không duỗi được), rối loạn vận động… Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong hay những di chứng nặng nề không hồi phục.
Người tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với chì có thể gặp các triệu chứng như run chân tay, co giật, teo cơ, yếu cơ, chậm vận động, khó bước lên các bậc, bàn tay khó duỗi hoặc có thể liệt tay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do bệnh viêm não, suy giáp, giảm nồng độ xương và lão hóa các tế bào thần kinh bởi nhiễm độc chì.
Tổn thương thần kinh do nhiễm độc chì còn có thể dẫn đến một số triệu chứng khác như đau đầu, khó ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ, kém tập trung, ảo giác, kích động… Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón…
Nhiễm độc chì gây run tay, bàn tay không duỗi được
Trẻ em là đối tượng dễ bị ngộ độc chì nhất, bởi trẻ hấp thu chì nhanh, cao hơn gấp 3 – 4 lần so với người lớn. Trẻ nhiễm độc chì chủ yếu do môi trường ô nhiễm, nồng độ chì trong không khí, nước uống, thức ăn cao; hoặc do tiếp xúc với đồ chơi chứa chì, sử dụng một số loại thuốc cam, thuốc bột có hàm lượng chì cao. Do vậy, để phòng tránh nhiễm độc chì cần hạn chế trẻ tiếp xúc với những đồ vật, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ; lựa chọn thực phẩm sạch, không cho trẻ đến những khu vực có nguy cơ hay đã bị ô nhiễm chì.
Đối với người lớn, nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm độc chì là do nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với chì hay các hợp chất của nó như: nấu chì, ngành in, sản xuất nhựa, acquy, thủy tinh, sơn, hàn chì, kinh doanh xăng dầu, đốt rác thải rắn, nghiên cứu khoa học, ngành điện… Những đối tượng này cần được trang bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc và tuân thủ theo các quy định an toàn lao động. Đồng thời, cần định kì theo dõi nồng độ chì trong máu và lưu ý một số triệu chứng do ngộ độc chì để được chẩn đoán sớm tình trạng bệnh và có hướng xử lý kịp thời.
Những người dân sống gần khu vực xưởng, nhà máy, xí nghiệp sản xuất liên quan đến chì và các kim loại nặng khác có nguy cơ bị nhiễm độc mạn, do trong không khí, nguồn nước, đất, cây trồng, gia súc có thể chứa nồng độ chì cao. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra hàm lượng chì ở những khu vực này để kiểm soát nồng độ ở mức cho phép.
Một số loại thuốc nam, thuốc hoàn, thuốc bột không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây ngộ độc chì cấp sau 2 – 48h sử dụng. Do các loại thuốc này có hàm lượng kim loại nặng dùng để bảo quản dược liệu tồn dư cao. Mặt khác, các vật dụng cần thiết trong gia đình bằng thủy tinh, nhựa, sứ hay sơn tường, cửa, son môi, mỹ phẩm… cũng có thể có gây nhiễm độc cho người sử dụng do chứa chì. Vì vậy khi lựa chọn sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.
Chén, đĩa sứ không có nguồn gốc xuất xứ có thể gây nhiễm độc chì
Khi có những triệu chứng của ngộ độc chì, dù là cấp tính hay mạn tính cũng cần sớm đưa đến trung tâm chống độc để được xử lý kịp thời, nhằm cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa các di chứng nặng nề do nhiễm độc.
Với nhiễm độc chì cấp, nồng độ chì cao sẽ làm tổn thương tới các tế bào thần kinh, nếu không điều trị kịp thời có thể để lại di chứng như run tay chân, liệt vận động, co cứng cơ... Bởi vậy, cần sớm đưa người bệnh đi cấp cứu để làm giảm nồng độ chì trong máu và đào thải chì ra khỏi cơ thể.
Với trường hợp nhiễm độc mạn tính, chì gây rối loạn chuyển hóa và tạo máu, dẫn đến thiếu máu và các chất dinh dưỡng cần thiết, gây ra chứng run chân tay, suy nhược cơ thể… Do vậy, cần có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, nhất là các vitamin nhóm B; đồng thời định kì bổ sung thêm một số vitamin khoáng chất cần thiết như vitamin B1, B6, B9, magie, canxi, sắt… và thường xuyên luyện tập để giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, cải thiện triệu chứng run.
Người bị nhiễm độc chì cũng cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cafein, thuốc lá, trà đặc vì sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh.
Việc thường xuyên xoa bóp, tập luyện sẽ giúp cơ, khớp dẻo dai và cải thiện chức năng vận động. Vì vậy, người bệnh nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài luyện tập chân tay phối hợp như dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, đi bộ nhanh hay thiền, yoga. Ngoài ra, có thể sử dụng một số phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hệ vận động.
Nguồn tham khảo: http://www.nhp.org.vn/ http://elib.dostquangtri.gov.vn/ http://www.chongdoc.org.vn/