Run là triệu chứng có thể gặp ở bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cường giáp, suy giáp và có thể trở thành bệnh lý nếu không được điều trị.
Rối loạn chuyển hóa là một tập hợp các rối loạn như rối loạn dung nạp glucose, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng hay giảm sản xuất các hormon… là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tiểu đường, cường giáp, suy giáo, béo phì, tim mạch.
Hormon tuyến giáp có tác dụng trên sự phát triển của cơ thể, chuyển hóa tế bào, chuyển hóa các chất, tác dụng hệ thần kinh – cơ, hệ tim mạch. Nồng độ hormon tuyến giáp tăng (ở bệnh lý cường giáp) hay giảm (ở bệnh lý suy giáp) đểu dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa và gây tổn thương đến các mô.
Run ở bệnh cường giáp giai đoạn đầu thường xảy ra ở các đầu ngón tay hay bàn tay, run đều, biên độ nhỏ, run tăng khi xúc động, lo lắng, sợ hãi. Đây là một trong những dấu hiệu để nhận biết tình trạng bệnh lý.
Run tay – triệu chứng của bệnh cường giáp
Chứng run do bệnh lý cường giáp có thể do một số nguyên nhân:
- Tăng chuyển hóa: Ở người bệnh cường giáp, cơ thể luôn trong tình trạng thiếu năng lượng mặc dù đã ăn rất nhiều; Do cường giáp làm tăng chuyển hóa các chất và tăng chuyển hóa ở các mô nên các tế bào không có đủ năng lượng để sử dụng. Các mô hoạt động quá mức và thiếu năng lượng kéo dài sẽ bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương ở mô vận động và thần kinh gây ra chứng run.
- Kích thích hệ thần kinh – cơ: Gây tăng phản xạ gân xương, rung cơ, run đầu ngón tay hay bàn tay; hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích dẫn đến lo lắng, bồn chồn và có thể gây trầm cảm, rối loạn tâm thần.
Xem thêm: • TPCN Vương Lão Kiện giúp làm giảm các chứng run • Thiên ma - Câu đằng vị thuốc quý trong điều trị bệnh run
Cơn cường giáp cấp gây run mạnh và có thể dẫn đến teo cơ nhanh. Bên cạnh đó, tăng tiết hormon tuyến giáp sẽ cản trở khả năng kết hợp canxi vào xương, gây loãng xương, xương dễ gãy và suy giảm chức năng vận động.
Cường giáp có thể điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và các triệu chứng được cải thiện khi bắt đầu điều trị. Nhưng người bệnh cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm canxi, natri, vitamin D để bù lại năng lượng đã tiêu thụ quá nhiều; Tuy nhiên khi nồng độ hormon được kiểm soát, chế độ ăn cần trở về mức bình thường để tránh tình trạng tăng cân, béo phì…
Ngược lại với bệnh lý cường giáp, suy giáp giảm chuyển hóa cơ bản và giảm hoạt động của của hệ thần kinh – cơ. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương dây thần kinh ngoại vi, các dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu từ não và tủy sống, dẫn đến các triệu chứng trên hệ vận động như: giảm hay mất phản xạ cơ xương, yếu cơ, đau cơ, chuột rút, mất kiểm soát cơ bắp, run, rung giật.
Bệnh suy giáp có thể được điều trị bằng thuốc và cần theo dõi để đánh giá mức độ cải thiện triệu chứng, đồng thời định kì kiểm tra các chỉ số để điều chỉnh liều thuốc thích hợp.
Điều trị bệnh sớm có thể cải thiện được chứng run. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, chứng run sẽ trở thành tình trạng bệnh lý do các tế bào hệ vận động và thần kinh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Run trong bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) xảy ra khi người bệnh hạ đường huyết. Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng này là run, ra mồ hôi, chóng mặt, mệt lả, hoa mắt, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến co giật, động kinh, mất ý thức…
Các triệu chứng hạ đường huyết
Tình trạng hạ đường huyết ở những người mắc ĐTĐ thường gặp do sử dụng quá liều insulin hay thuốc hạ đường huyết, bỏ bữa, luyện tập quá mức. Nồng độ glucose trong máu thấp, không đủ để cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động. Khi xuất hiện các triệu chứng như run tay chân, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi… người bệnh cần bổ sung ngay glucose bằng cách uống nước đường hay ăn đồ ngọt; nếu có triệu chứng co giật cần cấp cứu kịp thời.
Run trong bệnh ĐTĐ còn gặp nhiều ở những người có mức đường huyết tăng cao kéo dài, gây hủy hoại mạch máu ngoại vi và mạch máu não, cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng vận động và gây run. Kiểm soát tốt đường huyết, duy trì chế độ ăn uống, luyện tập khoa học là biện pháp hiệu quả giúp cải thiện triệu chứng run, đồng thời làm chậm tiến trình bệnh và phòng ngừa các biến chứng khác.
Rối loạn chuyển hóa gây ra chứng run và có thể cải thiện khi các bệnh được điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nguyên nhân thì run không chỉ là triệu chứng nữa mà sẽ trở thành bệnh lý, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Nguồn tham khảo: http://www.dieutri.vn/ Bài giảng bệnh học đại học Dược Hà Nội – Nhà xuất bản Y học, 2010