Ngày Parkinson thế giới (Parkinson’s World Day) diễn ra vào ngày 11/4 hàng năm để đánh dấu ngày sinh của bác sĩ James Parkinson - người đầu tiên mô tả căn bệnh gây rung lắc mà ngày nay được gọi là bệnh Parkinson theo tên của ông.
Có rất nhiều Hội nghị được diễn ra để giúp các bác sĩ trên toàn thế giới trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh Parkinson vào ngày 11/4
Theo tạp chí Parkinson News Today, hiện nay trên thế giới có khoảng 7 - 10 triệu người mắc bệnh Parkinson. Đây vốn được coi là căn bệnh của người già vì thường khởi phát sau 60 tuổi. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa và tỷ lệ người dưới 50 tuổi mắc bệnh đã lên đến 10%.
Tại Việt Nam, vào ngày 11/4 hàng năm, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế cũng hưởng ứng ngày Parkinson Thế giới bằng việc tổ chức các Hội nghị để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm điều trị giữa các bác sĩ; sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân Parkinson để tư vấn, hướng dẫn người bệnh nâng cao kỹ năng chăm sóc bản thân, tập luyện và ăn uống để kiểm soát các triệu chứng của bệnh tốt hơn. Một số câu lạc bộ bệnh nhân Parkinson bạn có thể tham khảo là: câu lạc bộ tại bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Nguyễn Tri Phương...
Nâng cao nhận thức về bệnh Parkinson sẽ giúp bạn chủ động đối phó với căn bệnh này
Theo ThS BS. Trần Ngọc Tài – Phó trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh Parkinson không nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì, nhưng gây trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bệnh diễn tiến ngày càng nặng dần với các dấu hiệu thường gặp là run tay chân, chậm cử động và đơ cứng do sự thiếu hụt dopamin trong não. Nếu không được điều trị kịp thời thì sau khoảng 5 – 7 năm người bệnh có nguy cơ bị tàn phế và tử vong vì biến chứng suy kiệt, viêm phổi...
Ngoài các triệu chứng rối loạn vận động, sức khỏe người bệnh Parkinson còn bị ảnh hưởng bởi các biến chứng táo bón, khó nuốt, sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao các tế bào sản sinh dopamin lại bị thoái hóa và chết đi, dẫn đến thiếu hụt nồng độ chất này trong não. Vì vậy, việc chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này là điều chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, y học đã và đang có nhiều bước tiến mới giúp giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân như các thuốc mới và phẫu thuật kích não sâu.
Để sống chung với bệnh Parkinson không hề khó. Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson, nhiều chuyên gia khuyến khích người bệnh kiên trì sử dụng thuốc điều trị, kết hợp chế độ ăn khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên.
Để chung tay cùng các bệnh nhân Parkinson, bạn có thể tìm hiểu thêm các kiến thức về căn bệnh này, cũng như các phương pháp điều trị trong các bài viết sau:
- Bệnh Parkinson – những vấn đề người bệnh cần nắm rõ
- Bệnh Parkinson và cách chữa trị hiệu quả
- Tại sao chữa bệnh Parkinson bằng Đông y hiệu quả cao?
- Hành trình tìm lại sức khỏe của người bệnh Parkinson
Nguyễn An