Parkinson và những điều cần biết

A- A+

Người bệnh Parkinson có thể tự lập trong bao lâu, khi nào cần phải dùng thuốc, chăm sóc người bệnh như thế nào...

Parkinson là một bệnh thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamin gây ra các rối loạn vận động điển hình với các triệu chứng: Run, co cứng, cử động chậm chạp. Bệnh Parkinson được mô tả lần đầu tiên năm 1817 bởi nhà khoa học James Parkinson. Đến nay tuy việc điều trị bệnh cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Việc điều trị mới chỉ dừng lại ở việc giúp giảm triệu chứng và làm chậm lại tiến triển của bệnh. Các câu hỏi sau đây có thể giúp người bệnh có thêm nhiều thông tin để hiểu rõ về căn bệnh Parkinson để lựa chọn cách điều trị và có kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Người bệnh Parkinson có thể sinh hoạt tự lập trong khoảng thời gian bao lâu?

Nếu được điều trị tốt, nhiều bệnh nhân Parkinson có thể duy trì một cuộc sống chất lượng khoảng 10 đến 15 năm trước khi chức năng vận động suy giảm đến mức cần sự giúp đỡ từ những người khác từ việc mặc quần áo, ăn uống, và các hoạt động hàng ngày khác. Tuy nhiên một số người bệnh lại chỉ có thể duy trì khoảng thời gian này trong vòng 5 đến 10 năm. Tiến triển bệnh càng chậm thì thời gian duy trì cuộc sống bình thường của người bệnh càng dài. Chế độ điều trị ngay từ ban đầu và việc chủ động luyện tập là một trong những yếu tố quyết định đến khoảng thời gian này.

Bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Khi nào bắt đầu cho người bệnh Parkinson dùng thuốc?

Điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Nếu chưa có những triệu chứng gây cản trở sinh hoạt thì chưa cần thiết sử dụng thuốc điều trị. Nhưng nếu đã có triệu chứng run hay cứng các khớp tay chân thì người bệnh nên bắt đầu dùng thuốc sớm.

Người bệnh khi bắt đầu dùng thuốc cũng cần quan tâm đến những tác dụng phụ của thuốc điều trị (điển hình là levodopa) như: Ảo tưởng, rối loạn vận động,… Do đó trong quá trình sử dụng cần theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu này và nhờ bác sĩ tư vấn để giúp hạn chế những tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị, do với người bệnh Parkinson việc sử dụng thuốc là bắt buộc và có nhiều loại thuốc không thể thay thế.

Những lưu ý khi dùng thuốc cho người bệnh Parkinson

Người bệnh nên hỏi rõ bác sĩ về những lưu ý cho mỗi loại thuốc kê toa:

- Tên dược chất.

- Tác dụng của thuốc: Cách quan sát những thay đổi và phản ứng sau khi dùng thuốc để nắm bắt được những tác dụng của thuốc.

- Tác dụng phụ nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý tạm thời.

- Cách sử dụng và thời gian sử dụng: Trao đổi những thông tin này cho bác sĩ để xác định liều lượng tốt nhất có thể kiểm soát các triệu chứng run trong khi giảm thiểu tác dụng phụ như loạn vận động.

- Có thể dùng chung thuốc trong bữa ăn được không: Một số loại thuốc điều trị Parkinson có thể bị giảm hấp thu nếu dùng trong bữa ăn, do đó hãy hỏi bác sĩ thông tin này để có thời gian sử dụng thuốc tối ưu nhất.

- Có lưu ý gì khi sử dụng cùng các thuốc khác không: Nếu người bệnh đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác, hỏi bác sĩ để kiểm tra các tương tác thuốc có thể.

- Thời gian đến khám lại.

Người bệnh Parkinson nên tập luyện như thế nào?

Tập thể dục thường xuyên có thể tăng tính linh hoạt cho cơ bắp, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường khả năng vận động cho người bệnh Parkinson. Để có một chế độ tập luyện phù hợp nhất với mình, người bệnh nên tham khảo ý kiến của một bác sĩ vật lý trị liệu để được tư vấn và hướng dẫn thiết lập một chương trình tập thể dục. Các môn thể dục được khuyên áp dụng cho người bệnh Parkinson là: Yoga, thể dục nhịp điệu,…

Người bệnh Parkinson nên thường xuyên tập thể dục

Người bệnh Parkinson nên thường xuyên tập thể dục

Những hoạt động nào không an toàn với người bệnh Parkinson

Thông thường, người bệnh Parkinson hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động và công việc mà họ yêu thích. Nhưng nếu bệnh đã ở mức độ nặng, thì một số hoạt động có thể gây nguy hiểm được khuyến cáo người bệnh không nên thực hiện, điển hình như: điều khiển phương tiện giao thông vì bệnh nhân có phản ứng chậm. Chưa kể đến những triệu chứng như run, cứng khớp và rối loạn vận động sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người bệnh khi làm thực hiện những hoạt động đòi hỏi tập trung cao.

Thay đổi và sắp xếp chỗ ở như thế nào để thuận tiện cho người bệnh Parkinson?

Tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ về tình trạng bệnh, người bệnh có thể cần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, bếp, nhà tắm để tránh va chạm và vấp ngã. Nên sắp xếp phòng cho người bệnh ở tầng một để tránh việc đi lại cầu thang.

Người bệnh Parkinson có nên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ?

Sinh hoạt tập thể với những người có cùng chứng bệnh như mình có thể là một nguồn động viên lớn lao giúp người bệnh Parkinson quên đi những phiền toái trong cuộc sống mà họ gặp phải. Gặp gỡ và giao lưu với các thành viên trong nhóm cũng giúp họ đỡ mặc cảm, tự tin hơn trong giao tiếp.

XEM CHIA SẺ CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH PARKINSON HIỆU QUẢ

Lan Anh
Nguồn: http://www.caring.com