Mất ngủ hay thiếu ngủ tiềm ẩn nhiều vấn đề như tai biến mạch máu não, trầm uất, bệnh tiểu đường, thoái hóa khớp, cao huyết áp.
Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế Đức, không dưới 3 triệu người nước này phải uống một loại thuốc an thần mạnh hàng đêm để mua cho bằng được giấc ngủ tạm bợ. Nếu tưởng đó là giải pháp thì sai cả cây số. Kết quả nghiên cứu được đúc kết từ các nhà dưỡng lão trên xứ sản xuất xe Mercedes cho thấy:
1. Tỷ lệ tai biến mạch máu não cao gấp 3 lần ở người dùng thuốc an thần bằng hóa chất tổng hợp nếu so với nhóm đối chứng chọn cách khác để ru ngủ!
2. Số nạn nhân của bệnh trầm uất cao gấp 6 lần ở người lạm dụng thuốc ngủ, hay thậm chí “bị” điều trị bằng thuốc an thần, nếu so với nhóm đối chứng cương quyết nói không với thuốc ngủ!
Rối loạn giấc ngủ (ảnh minh họa)
Nếu tưởng vấn đề chỉ có thế, dù bấy nhiêu đã quá khổ, thì sai. Người mất ngủ, hay cho dù chỉ cần thiếu ngủ, là miếng mồi ngon của:
- Bệnh tiểu đường vì đường huyết bội tăng vào sáng sớm dưới tác động tăng đường huyết của tuyến thượng thận. Hậu quả là nạn nhân trở thành bệnh nhân oan uổng mặc dầu không hề ăn quá ngọt.
- Bệnh thoái hóa khớp do hệ miễn dịch vận hành sai lệch nên tổng hợp các loại kháng thể vô tích sự đã chẳng kháng bệnh lại tấn công hệ vận động của chính gia chủ.
- Bệnh cao huyết áp vì càng mất ngủ mạch máu càng co thắt, dòng máu càng đậm đặc khiến tim càng lúc càng mệt để đẩy máu. Tình trạng này tất nhiên nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân đồng thời là thủ phạm vì béo phì, vì làm biếng vận động, vì tăng mỡ máu nhưng không chịu điều trị đến nơi đến chốn!
Vấn đề đã rõ từ lâu nhưng đâu là giải pháp? Không thể thức trắng từng đêm vì lấy sức đâu sáng mai kéo cày. Nhưng mặt khác cũng không thể vì thế mà chấp nhận mua thuốc độc từng đêm. Đáng tiếc cho nhiều người bệnh vì chưa nắm bắt được thông tin về cơ chế khiến trung khu điều hành giấc ngủ làm việc trật chìa. Đó là muốn ngủ cho ngon cần làm sao để tế bào thần kinh dung nạp tối đa dưỡng khí và dẫn truyền thần kinh đi đến nơi về đến chốn. Về mặt này thầy thuốc y học cổ truyền rõ ràng chiếm kèo trên với các bài thuốc thường dùng cho người cao tuổi để vừa thư giãn thần kinh, vừa cải thiện tuần hoàn nhằm mục tiêu tái lập giấc ngủ theo đúng nhịp sinh học.
Cần gì phải đợi đến già! Trong bối cảnh của cuộc sống “không căng không về” tại sao lại không vận dụng kinh nghiệm trong điều trị bệnh lão khoa của thầy thuốc ngày xưa cho người chưa già nhưng đã rệu rạo!
Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn