Run chân tay ở người trẻ - thủ phạm có thể là thuốc lá

A- A+

Bệnh run chân tay ở người trẻ ngày càng tăng không chỉ do stress, rượu bia mà còn do tình trạng lạm dụng thuốc lá hoặc bị thụ động hít phải khói thuốc lá.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, với khoảng 15 triệu người đang hút thuốc và 5 triệu người phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Những nghiên cứu về đối tượng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy: Có đến 56% nam giới đang hút thuốc lá, trong đó nam thanh thiếu niên chiếm khoảng 21,6%. Tỉ lệ này ngày càng tăng cao và là con số báo động về tình trạng “lạm dụng thuốc lá” ở nước ta hiện nay.

Thuốc lá - thủ phạm làm tăng tình trạng run chân tay ở người trẻ

Thuốc lá là nguyên nhân của rất nhiều bệnh lý như bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý tim mạch, ung thư…, giảm 20 năm tuổi thọ và tăng nguy cơ tử vong nếu sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, những người sử dụng đã bỏ qua những hậu quả do thuốc lá “mang lại”, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến những người xung quanh khi “phải” hít khói thuốc thụ động. Những hậu quả lâu dài về các bệnh lý do thuốc lá gây ra khi mới sử dụng có thể chưa nhận thấy, tuy nhiên dấu hiệu cho thấy xuất hiện những tổn thương ở hệ thần kinh dễ dàng phát hiện thông qua chứng run tay chân.

Hút thuốc lá – tăng nguy cơ run tay chân ở người trẻ
Hút thuốc lá – tăng nguy cơ run tay chân ở người trẻ

Thành phần chính của thuốc lá là nicotin – chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Nicotin có thể hấp thu qua da, miệng, niêm mạc mũi, nhanh chóng được đưa lên não chỉ 10 giây sau khi hút thuốc và gây tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, serotonine, noradrenalin, epinephrine, cortisol…, giúp giảm căng thẳng, lo âu, có thể làm cho người hút cảm thấy thư giãn, sảng khoái, tâm trạng vui vẻ và bình tĩnh hơn, đồng thời giúp tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn, tăng hiệu quả làm việc. Đặc biệt ở người trẻ, do áp lực công việc, gia đình thường bị phụ thuộc vào thuốc lá để tạo sự hưng phấn, tự tin trong giao tiếp, tăng khả năng tập trung, sáng tạo và dần trở nên “nghiện” thuốc lá. Tuy nhiên khi hút nhiều thuốc, não bộ sẽ liên tục tiết các chất dẫn truyền thần kinh và làm cạn kiệt dần nguồn dự trữ. Khi đó người hút sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó tập trung, hay cáu gắt, rối loạn vận động (run, rung giật), rối loạn tâm thần làm cho chứng run ngày càng trầm trọng hơn.

Ngoài ra, trong khói thuốc lá có nồng độ cao khí CO sẽ qua đường hô hấp nhanh chóng đi vào máu, gắn với hemoglobin (tế bào hồng cầu vận chuyển oxy, CO) và chiếm chỗ của oxy, làm suy giảm hoạt động và gây lão hóa não dẫn đến run giật, di chuyển chậm, chóng mặt, buồn nôn, mất ý thức…

Mặt khác, những người nghiện thuốc lá thường nghiện rượu nặng và ngược lại. Người bệnh phải chịu tác động đồng thời bởi cả Nếu không sớm cai cả 2 “chất độc” đó thì sẽ làm tăng nhanh quá trình gây tổn thương các tế bào không phục hồi, chứng run trở thành một tình trạng bệnh lý.

Thuốc lá là một trong những thủ phạm gây run tăng ở người trẻ - những người nghiện thuốc hay những người phải hít nhiều khói thuốc. Tuy nhiên nếu có ý thức và ý chí cai thuốc lá sớm, tế bào thần kinh có thể được phục hồi và chứng run nhanh chóng được cải thiện.

Xem thêm: Thiên ma - Câu đằng vị thuốc quý trong điều trị bệnh run

Lời khuyên dành cho người cai thuốc lá

Sau khi ngưng thuốc, sẽ xuất hiện rất nhiều các phản ứng phụ như mất ngủ, sa sút tinh thần, tăng cân, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động…, đặc biệt là hội chứng cai thuốc xuất hiện 24h sau cai thuốc và nặng dần lên trong tuần đầu tiên, sau đó giảm dần trong 4 – 6 tuần tiếp theo. Nếu người bệnh có thể “vượt qua” được giai đoạn này thì có thể cai thuốc lá thành công.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp duy trì sức khỏe, cải thiện các triệu chứng do cai thuốc và kiểm soát các cơn thèm thuốc:

- Không uống rượu bia, nước có ga vì sẽ làm tăng cơn thèm thuốc, thay vào đó nên uống nước lọc hay nước khoáng sẽ rất tốt cho cơ thể.

- Nên ăn những thực phẩm như cà rốt, cần tây, sữa, cam, quýt, bưởi, quế, các trái cây có mùi thơm… sẽ giúp cơ thể loại bỏ nicotin dễ dàng hơn và khử mùi thuốc lá trên lưỡi, giảm các cơn thèm thuốc. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất ngọt, nên chế biến đồ ăn bằng cách hấp, luộc thay vì chiên xào, rán để tránh tăng cân nhanh ở người bệnh.

Hoa quả giúp kiểm soát các cơn thèm thuốc
Hoa quả giúp kiểm soát các cơn thèm thuốc

- Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, do thèm nicotin có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng, đồng thời cũng giúp giảm thèm thuốc lá. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là bữa tối sẽ khiến cơ thể khó chịu, tăng cảm giác bực dọc và tăng cân nhanh hơn.

- Không thức quá khuya, làm việc gắng sức và tránh lo lắng, căng thẳng. Nên tự tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ như gặp gỡ bạn bè, nghe nhạc hay đọc sách thư giãn; luyện tập hít sâu thở chậm, thiền, yoga, đi bộ giúp bạn thư thái hơn, đồng thời góp phần cải thiện chứng run; tập thể dục, thể thao giúp duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe.

- Không tiếp xúc với những người đang hút thuốc hay những nơi có nhiều khói thuốc, do mùi thuốc lá có thể khiến người bệnh thèm thuốc trở lại và tăng các triệu chứng của hội chứng cai thuốc.

Ý chí của người cai thuốc lá đóng vai trò quyết định. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có một kế hoạch cai thuốc hợp lý và có các phương pháp thích hợp giúp cải thiện các triệu chứng sau khi cai; Với những người nghiện nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số hoạt chất thay thế hay kế hoạch giảm liều dần.

CHIA SẺ CÁCH TRỊ RUN TAY Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI

Ds. Minh Phương
Nguồn tham khảo: http://vinacosh.gov.vn/