Tuổi càng cao, quá trình lão hóa, thoái hóa trong cơ thể diễn ra càng mạnh mẽ. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng run chân tay, rối loạn vận động ở người cao tuổi… Run có thể khởi phát từ rất sớm, với biểu hiện không rõ ràng nhưng sẽ tiến triển nặng dần, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ khi về già.
Run là tình trạng xuất hiện những vận động cơ không kiểm soát, tự phát, gặp ở tay hay bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Run có thể xảy ra khi nghỉ ngơi hoặc vận động, và thường tăng nặng lên khi người bệnh lo lắng, xúc động. Ban đầu, run ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, nhưng độ ảnh hưởng sẽ tăng dần theo thời gian, khiến họ gặp khó khăn trong giao tiếp, vệ sinh cá nhân hay đi lại. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh bị giảm khả năng vận động và dễ chấn thương do té ngã, mất thăng bằng - tình trạng này hay gặp nhất ở người bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson.
Có nhiều nguyên nhân gây run ở người cao tuổi bởi quá trình thoái hóa, lão hóa, tổn thương tế bào thần kinh vùng vận động. Sau đây là một số trường hợp run phổ biến:
Xảy ra do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh có tên Dopamine trong não. Đây là chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác, giúp não kiểm soát được các cử động của cơ bắp ở chân, tay và mặt. Khi Dopamin bị thiếu, não không chỉ huy được vận động cơ bắp như bình thường, gây ra các triệu chứng run, co cơ, giảm vận động. Run do Parkinson thường xuất hiện khi nghỉ ngơi và giảm khi người bệnh có các hoạt động chủ ý, đây là điểm khác biệt lớn nhất với các chứng run khác. Ban đầu thường chỉ run từng đợt thưa, run nhỏ, nhẹ, kín đáo nhưng càng ngày các đợt run càng liên tục và mạnh hơn và có thể dễ dàng nhận ra bệnh bởi một số dấu hiệu như: run, cứng đơ, vận động chậm chạp, không giữ được tư thế đứng thẳng - người bệnh có dáng đi giật cục và cứng nhắc đặc trưng. Lâu dần, họ có thể bị ảo giác, suy giảm trí nhớ, thậm chí tàn phế hay tử vong.
Thường xảy ra khi lưu lượng máu lên não kém, làm cho tế bào thần kinh không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất. Tình trạng này bắt nguồn từ một số nguyên nhân như xơ vữa động mạch não, huyết áp thấp, hay sau một cơn tai biến não làm tổn thương các tế bào thần kinh ở vùng vận động và gây rối loạn các hoạt động cơ.
Ở người cao tuổi, run sau tai biến mạch não chiếm tỷ lệ lớn, nó có thể xuất hiện vài tuần sau đột quỵ, với các triệu chứng tương tự như bệnh Parkison, nhưng đáp ứng kém với thuốc điều trị bệnh này. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, viêm não sau đột quỵ là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng run. Các nhà khoa học cho rằng, sử dụng sớm thuốc chống viêm sau đột quỵ có thể làm giảm nguy cơ này.
Run sau tai biến có thể được cải thiện nhanh chóng, nếu người bệnh sớm được sử dụng những giải pháp hỗ trợ điều trị chuyên biệt dành cho chứng bệnh run. Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 0904.904.660 (Trong giờ hành chính) để có thêm thông tin chi tiết.
Run do suy giảm chức năng não bộ cũng có thể gặp ở những trường hợp nghiện rượu, uống quá nhiều thuốc chống động kinh, hội chứng cận u hay teo não bệnh lý thứ phát.
Run ở người cao tuổi gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt
Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và chủng tộc, nhưng tỷ lệ lớn là người cao tuổi. Khoảng 10-20% dân số bị mắc bệnh này, và một nửa số trường hợp liên quan tới yếu tố gia đình, còn lại chưa xác định rõ nguyên nhân. Run thường xuất hiện khi vận động và mất đi khi nghỉ ngơi. Các biểu hiện khác kèm theo run chân tay bao gồm: gật gù đầu, run môi, run lưỡi. Tình trạng run có thể không đối xứng, nghĩa là một bên bị run nhưng một bên lại hoàn toàn bình thường. Run lành tính không gây những biến chứng nghiêm trọng như bệnh Parkinson nhưng nó lại gây nhiều phiền toái trong cuộc sống vì người cao tuổi khó thực hiện những vận động được cho là đơn giản nhất, như khi cầm cốc uống nước, đũa ăn cơm, cài khuy áo, bật công tắc điện... Loại run này lại đáp ứng khá tốt với điều trị bằng các thuốc chẹn beta giao cảm, chống co giật, an thần... nhưng đây chỉ là những biện pháp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn, bởi những thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng kéo dài.
Một số thuốc điều trị có thể gây run tay như thuốc trị hen phế quản, thuốc chống trần cảm, thuốc an thần… Hoặc các bệnh như cường giáp, lupus, rối loạn trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật hay tình trạng lạm dụng rượu cũng có thể là thủ phạm gây run ở người cao tuổi.
Đối với tất cả các chứng run nói chung, thì vấn đề tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh và hiệu quả điều trị. Ở người mắc chứng run, đặc biệt người cao tuổi, thì khả năng đáp ứng, thích ứng với hàng loạt các vấn đề của cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, tình trạng rối loạn vận động lại khiến cho chứng lo âu, mặc cảm trở nên trầm trọng. Càng lo nghĩ càng run, càng cố gắng điều chỉnh thì càng làm tăng cường độ, tần suất run, vì vậy họ đã tự tạo nên vòng xoáy bệnh lý cho chính mình.
Để có điều trị tốt chứng run, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây run. Bởi đôi khi trị khỏi nguyên nhân thì chứng run sẽ tự hết, ví dụ run do thuốc, do cường giáp. Một số dụng run khác cần phải dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.
Người cao tuổi bị run chân tay cần được điều trị bằng thuốc và lối sống
- Run do Parkinson: Điều trị nhằm làm tăng lượng dopamin bị thiếu hụt, gồm thuốc dạng tiền chất của Dopamin, thuốc “bắt chước” tác dụng dopamin, thuốc ức chế men phân giải dopamin. Có thể kết hợp thêm thuốc điều trị triệu chứng như an thần, chống co giật, giãn cơ…
- Run do các nguyên nhân còn lại: Chủ yếu điều trị triệu chứng run bằng thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc giãn cơ, chống co giật, an thần hoặc chống trầm cảm… Và kết hợp các thuốc điều trị nguyên nhân nếu có.
Hiện nay, run do bệnh Parkinson hoặc run vô căn nếu đáp ứng kém với thuốc có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu tại bệnh viện chuyên khoa thần kinh như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết người bệnh có thể khỏi được chứng run, hoặc giảm liều thuốc điều trị. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật tương đối cao (700 - 750 triệu), và người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng khi phẫu thuật, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ và tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng phương pháp này.
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có thuốc đặc hiệu cho tất cả các chứng run, mà chủ yếu làm giảm triệu chứng bệnh. Vì vậy, việc sử dụng thảo dược truyền thống để trị run đang được các nhà chuyên môn quan tâm, bởi nhiều nghiên cứu hiện đại đã chứng minh cơ chế tác động vào nguyên nhân gây run của chúng. Điển hình như, Thiên ma, Câu đằng ngoài tác dụng an thần, trấn tĩnh, giảm run, chúng còn giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa, thoái hóa não, chống stress oxy hóa, bảo vệ tế bào thần kinh nên ngăn ngừa run tiến triển. Đồng thời các dược liệu này còn gián tiếp tăng lượng dopamin bằng cách ức chế men phân giải chất này…
Với người cao tuổi bị run do giảm lưu lượng máu lên não thì việc cải thiện tuần hoàn máu não có ý nghĩa quan trọng trong điều trị, vì vậy, họ có thể dùng thêm một số thảo dược như Hà thủ ô đỏ, Câu kỷ tử, Đinh lăng…
Sự kết hợp của các thảo dược kể trên có thể được coi là hy vọng mới cho những người đang gặp phải chứng run do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngoài các biện pháp kể trên, người cao tuổi cần được chăm sóc về lối sống và thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu để góp phần làm tăng hiệu quả điều trị. Họ nên có lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, tránh trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo lắng quá mức. Tập đi bộ, yoga, thái cực quyền cũng là các biện pháp để cải thiện chức năng vận động, ngăn ngừa co cứng cơ khớp, chậm vận động xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh. Chế độ ăn đầy đủ chất, nhiều rau quả tươi, thực phẩm giàu magie (rau màu xanh đậm, các loại đậu, chuối)… cũng có thể hữu ích cho người bệnh.
Chứng run mang lại cho người cao tuổi không ít phiền phức và làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân người bệnh, thì họ luôn cần sự giúp đõ, an ủi, chia sẻ của những người thân yêu, để giảm bớt phần nào khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và cải thiện tâm trạng, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.
DS. Vân Nga