Run tay chân – biến chứng của bệnh bạch hầu

A- A+

Độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây viêm đa dây thần kinh với các triệu chứng như run tay chân, co giật; thể ác tính có thể gây liệt vận động

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường khởi phát vào mùa lạnh và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, rất dễ lây lan nhanh từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp (nói chuyện, hắt hơi) hay gián tiếp qua thức ăn, đồ uống, đồ dùng của người bệnh. Nếu không sớm điều trị hay điều trị không triệt để thì có thể nguy hiểm đến tính mạng hay để lại các di chứng nặng nề về sau.

Bệnh bạch hầu và các dấu hiệu nhận biết

Bệnh bạch hầu chiếm tỉ lệ cao ở trẻ từ 1 – 7 tuổi, đặc biệt ở những trẻ chưa được tiêm phòng. Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng và khu trú, phát triển ở niêm mạc đường hô hấp trên. Sau thời gian ủ bệnh từ 2 – 4 ngày, nó tiết ra độc tố đi vào máu, lan ra khắp cơ thể và gây tổn thương nhiều cơ quan, tổ chức: vòm, hầu họng, thanh quản, mắt, mũi, tai, da, tim, hệ thần kinh…

Giai đoạn đầu người bệnh thường xuất hiện một số triệu chứng như cảm cúm: viêm họng hay viêm amidan, sốt nhẹ, ho, giọng khàn, hơi thở hôi, sổ mũi, đau đầu. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện các triệu chứng trên sẽ xuất hiện màng giả trắng ngà ở trong họng, thanh quản hay mũi. Màng giả dai, dính, dễ chảy máu nếu bóc ra; nếu chảy máu thì màng có màu hoặc đen. Sự xuất hiện màng giả tại vị trí nhiễm trùng là đặc điểm nổi bật của bệnh bạch hầu.

Bệnh hầu họng thường gặp ở trẻ từ 1 – 7 tuổi
Bệnh hầu họng thường gặp ở trẻ từ 1 – 7 tuổi

Bệnh bạch hầu nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn sau khoảng 10 ngày và không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị, có thể tiến triển thành thể bạch hầu ác tính và xuất hiện các triệu chứng cấp như sốt cao 39 - 40°C, người mệt lả, da tái xanh, huyết áp tụt, hơi thở hôi, nuốt đau, phù nề, hạch cổ sưng to, cổ bạnh ra, chảy máu miệng, mũi, da. Màng giả lan nhanh 2 bên amidan qua vòm hầu lên vùng sau mũi và đến 2 lỗ mũi. Khi đó, người bệnh đã bị nhiễm độc nặng và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Run tay chân – biến chứng viêm đa dây thần kinh do bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu dù thể nặng hay nhẹ đều có thể gây ra các biến chứng sau 1 – 6 tuần khởi phát bệnh nếu không được sớm điều trị hay điều trị triệt để.

Các biến chứng có thể gây tử vong cho người bệnh như biến chứng viêm cơ tim sau 1 – 2 tuần mắc bệnh hoặc để lại những di chứng nặng nề đối với người bệnh như biến chứng viêm đa dây thần kinh sau 4 – 6 tuần khởi phát bệnh.

Biến chứng viêm đa dây thần kinh xuất hiện ở khoảng 25% người bệnh. Các nghiên cứu trước đó cho thấy: Độc tố của vi khuẩn bạch hầu phá hủy bao myelin (bao bọc tế bào thần kinh), gây tổn thương rễ sau của sợi thần kinh và giảm tốc dẫn truyền thần kinh. Dẫn đến liệt chi, liệt ở gốc các rồi lan ra ngọn chi, liệt các cơ chậu hông khiến người bệnh đi đứng, cầm nắm khó khăn và có thể gây liệt toàn thân. Các biến chứng thần kinh có thể phục hồi sau vài tuần hay vài tháng điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị triệt để có thể để lại di chứng như yếu cơ, run tay chân, chậm vận động, co cứng cơ, chuột rút…

Nên sớm tiêm vaccine phòng bệnh hầu họng cho trẻ
Nên sớm tiêm vaccine phòng bệnh hầu họng cho trẻ

Biện pháp phòng ngừa biến chứng bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu đã có vaccine dự phòng, do vậy cha mẹ nên sớm đưa trẻ tiêm phòng và phải tiêm đầy đủ các mũi theo lịch trình để phòng bệnh hiệu quả hơn. Hiện nay đã có vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ cho trẻ dưới 1 tuổi với lịch tiêm: 2 tháng tuổi tiêm mũi 1, 3 tháng tuổi tiêm mũi 2 và 4 tháng tuổi tiêm mũi 3.

Bệnh bạch hầu có khả năng lây nhiễm cao nên ngay những người mắc bệnh cần cách ly ngay với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó cần vệ sinh những đồ dùng mà người bệnh đã sử dụng hay tiếp xúc và vệ sinh môi trường xung quanh.

Khi xuất hiện một trong những triệu chứng điển hình của bệnh, đặc biệt vào mùa dịch cần đến ngay cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Người bệnh cần được trung hòa nhanh các độc tố do vi khuẩn tiết ra và sử dụng kháng sinh để chống bội nhiễm. Đồng thời cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng của cơ thể. Vi khuẩn bạch hầu có thể còn sống ở thể ngủ khi các triệu chứng đã được cải thiện, do vậy người bệnh phải cần tuân thủ đầy đủ lộ trình điều trị để tiêu diệt triệt để vi khuẩn gây bệnh, chống tái phát, phòng ngừa biến chứng và ngăn ngừa lây nhiễm.

Điều trị bệnh tốt sẽ dần phục hồi được khả năng vẫn động và không để lại các di chứng ảnh hưởng đến đời sống sau này.

Chia-se-benh-nhan-chua-run-chan-tay

Ds. Minh Phương
Nguồn tham khảo: http://www.dieutri.vn/