Táo bón là một triệu chứng thường gặp và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động, với các triệu chứng đặc trưng: cứng cơ, run, dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý. Tuy nhiên, có một triệu chứng tuy không nguy hiểm nhưng lại rất thường gặp và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson đó là táo bón. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây táo bón ở người bệnh Parkinson và các biện pháp để khắc phục nó.
Bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh tự chủ (thần kinh thực vật), khiến ruột và bàng quang làm việc kém nhạy cảm và hiệu quả, làm chậm quá trình tiêu hóa, điều này dẫn đến việc chất thải lưu lại quá lâu trong đường ruột dẫn đến táo bón. Điểm khác biệt giữa táo bón do Parkinson và các nguyên nhân khác là người bệnh thường kèm theo cảm giác no, thậm chí chỉ ăn rất ít nhưng vẫn cảm thấy no trong một thời gian dài.
Ngoài ra, cũng còn một số nguyên nhân gây táo bón mà người bệnh Parkinson cần lưu ý đó là: táo bón do tác dụng phụ của thuốc điều trị Parkinson, táo bón mạn tính do quá trình ăn uống kém và thiếu vận động, luyện tập thể dục do tâm lý ngại vận động ở người bệnh Parkinson.
Một chế độ ăn thích hợp giúp cải thiện triệu chứng táo bón ở bệnh nhân Parkinson
- Lập và thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ, ăn thức ăn mềm, lỏng. Nguồn chất xơ là trái cây, rau, đậu, và bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc. Hầu hết các chất xơ trong trái cây được tìm thấy ở vỏ vì vậy nếu có thể nên ăn cả vỏ. Trái cây có hạt ăn được, chẳng hạn như dâu tây, là loại quả có nhiều chất xơ nhất mà người bệnh nên lựa chọn.
- Uống 1 đến 2 lít nước và các chất lỏng khác mỗi ngày. (Lưu ý: Không nên lạm dụng sữa vì sữa có thể gây táo bón ở một số người). Tuy nhiên nên hạn chế chất lỏng có chứa caffein như cà phê, nước giải khát, do có tác dụng khử nước làm tình trạng táo bón nặng thêm. Người bệnh Parkinson nên tránh những loại đồ uống này cho đến khi tình trạng táo bón của được cải thiện.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng sự linh hoạt cho cơ bắp cũng như hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Đi tiêu ngay khi bạn cảm thấy buồn. Việc kìm chế có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm, thậm chí dẫn đến rối loạn chức năng hệ tiêu hóa.
Người bệnh Parkinson cần đi gặp bác sỹ ngay nếu:
- Có máu trong phân.
- Cân nặng bị sụt giảm nhanh chóng ngay cả khi bạn không cố gắng để giảm cân.
- Bạn bị đau nặng khi đi tiêu.
- Tình trạng táo bón đã kéo dài hơn 3 tuần và không có dấu hiện cải thiện.
Út Thảo