Người bệnh Parkinson đều gặp phải các vấn đề về tâm lý như: Trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi, không động lực, sa sút trí tuệ, ảo giác và hoang tưởng và khó ngủ.
Nhiều người không nhận ra rằng vấn đề khó khăn nhất của bệnh Parkinson có thể đến từ những thay đổi trong tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân, ví dụ như trầm cảm, mất trí nhớ và rối loạn tâm thần do thuốc.
Khoảng 40 - 50% người bệnh Parkinson mắc chứng trầm cảm. Mức độ từ nhẹ đến trung bình, nhưng có khoảng 5 - 10% các trường hợp là trầm cảm nặng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trầm cảm là kết quả một phần từ những thay đổi các chất hóa học trong não gây nên do bệnh Parkinson.
Người bệnh Parkinson thường bị trầm cảm
Chẩn đoán trầm cảm ở những người mắc bệnh Parkinson có thể phức tạp, bởi vì có rất nhiều triệu chứng: mệt mỏi, buồn rầu, mất ngủ, phản xạ chậm, thiếu biểu cảm nét mặt. Các trường hợp trầm cảm có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc, chẳng hạn như chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý vì tác dụng phụ của một số loại thuốc chống trầm cảm lại có thể làm tăng nặng tình trạng run của bệnh Parkinson.
Khoảng 40% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson ở trạng thái lo lắng quá mức, thường song song với trầm cảm. Sự lo lắng làm cho họ mất ngủ, nhịp tim nhanh, khó thở và đổ mồ hôi. Các triệu chứng này tăng nặng lại càng làm ảnh hưởng đến vận động, dáng đi, khả năng giao tiếp xã hội của người bệnh.
Người bệnh Parkinson cũng thường bị lo lắng khi sử dụng thuốc Levolopa hoặc Dopamine, đặc biệt là khi xuất hiện hiện tượng nhờn thuốc, người bệnh bắt đầu sợ rằng các liều kế tiếp cũng sẽ không kiểm soát được các triệu chứng của họ và rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Việc lo lắng quá còn có thể gây ra các cơn hoảng loạn đáng sợ khiến người bệnh không thể thở và cảm giác như một cơn đau tim. Rối loạn lo âu có thể cải thiện bằng thuốc chống trầm cảm SSRI hoặc các loại thuốc an thần như Valium.
Khoảng một nửa số người bị bệnh Parkinson phàn nàn về triệu chứng mệt mỏi. Một số cảm thấy buồn ngủ, trong khi những người khác thấy năng lượng suy giảm và kiệt sức. Triệu chứng này là hậu quả của trầm cảm và mất ngủ. Tập thể dục có thể giúp hạn chế được tình trạng này, trong đó đi bộ mỗi ngày 30 phút là một giải pháp dễ thực hiện.
40% bệnh nhân Parkinson có biểu hiện thờ ơ. Họ mất hứng thú và niềm vui trong những sở thích hoặc hoạt động yêu thích trước đây. Đồng thời họ cũng dường như không quan tâm đến bạn bè, gia đình và các sự kiện xung quanh. Sự thờ ơ có thể liên quan đến trầm cảm, mất trí nhớ, rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp tối ưu để khắc phục vấn đề này.
Suy giảm nghiêm trọng của bộ nhớ và tư duy có thể phát triển thành bệnh mất trí nhớ, làm cho bệnh nhân không có khả năng tham gia vào các hoạt động hàng ngày của cuộc sống. Qua nhiều nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia tính ra có khoảng 30% người bệnh Parkinson bị mất trí nhớ. Thông thường, bệnh mất trí nhớ sẽ phát sinh trong giai đoạn sau của bệnh Parkinson.
Mất trí nhớ ở bệnh Parkinson có phần khác so với bệnh Alzheimer. Cụ thể, nếu người bệnh Alzheimer không hề lưu lại những ký ức mới, thì ở người bị bệnh mất trí nhớ do Parkinson, các kí ức này vẫn được lưu trữ lại, nhưng người bệnh sẽ không thể nhớ ra chúng cho đến khi có một gợi ý hoặc tín hiệu liên quan. Người bệnh Alzheimer cũng gặp nhiều vấn đề với ngôn ngữ và quên từ hơn người bệnh Parkinson.
Thuốc điều trị Alzheimer - Rivastigmine – đã được dùng để điều trị chứng mất trí nhớ trong bệnh Parkinson từ năm 2006, nhưng lợi ích của nó còn hạn chế, một loại thuốc điều trị Alzheimer khác cũng thường được sử dụng cho những bệnh nhân Parkinson có chứng mất trí nhớ là chất ức chế men Cholinesterase.
Ảo giác là một tác dụng phụ trong khoảng 30% số người dùng thuốc điều trị Parkinson – dạng tiền chất dopamine – thường chỉ xảy ra sau nhiều năm và thường gặp hơn ở những người bệnh có tình trạng mất trí nhớ. Thuốc Parkinson cũng có thể gây rối loạn tâm thần nghiêm trọng, trong đó người bệnh không thể phân biệt được những gì là thật và những gì chỉ là tưởng tượng. Khoảng 5 - 10% người bệnh Parkinson bị mắc chứng ảo giác và hoang tưởng.
Để điều trị ảo giác và ảo tưởng, các bác sĩ chuyển đổi hoặc cố gắng giảm bớt liều thuốc điều trị Parkinson. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc chống loạn thần không điển hình như Seroquel (quetiapine) hoặc Clozaril (clozapine).
Phần lớn người bệnh Parkinson đều gặp phải vấn đề mất ngủ. Hầu hết các bệnh nhân Parkinson không ngủ đủ giấc vào ban đêm, nguyên nhân có thể do tác dụng của thuốc điều trị, hoặc một cơn chấn động nghiêm trọng.
Phần lớn người bệnh Parkinson đều gặp phải vấn đề mất ngủ
Bên cạnh đó còn có một số biến chứng khác mà người bệnh Parkinson có thể gặp phải trong giấc ngủ làm tăng thêm tình trạng mất ngủ như:
* Ngừng thở khi ngủ
* Lặp đi lặp lại động tác co giật của chân
* Ngứa ngáy khó chịu ở chân
* Rối loạn hành vi khi ngủ, người bệnh đôi khi gặp những giấc mơ sống động như thật và dẫn đến đấm hoặc đá khi ngủ.
Có thể thấy, rối loạn tâm thần là một vấn đề khá phổ biến, khó kiểm soát cũng như khó điều trị ở người bệnh Parkinson. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì các liệu pháp vật lý trị liệu, sử dụng các bài tập đơn giản như tập thiền, Yoga cũng có thể phần nào giúp người bệnh có một tâm lý thoải mái hơn. Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là sự giúp đỡ, động viên của người thân để người bệnh có một tâm lý vững vàng hơn, cùng chiến đấu với bệnh tật.
XEM CHIA SẺ CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH PARKINSON HIỆU QUẢ
Việt Ánh
http://www.caring.com