Quá trình nuôi dưỡng kém và tác hại của các tác nhân oxy hóa đẩy nhanh quá trình thoái hóa não, làm tế bào thần kinh chết dần chết mòn, gây nên nhiều bệnh.
Bộ não là cơ quan quan trọng và phức tạp nhất của cơ thể con người, chịu trách nhiệm chi phối điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Nó được cấu tạo từ hàng tỷ tế bào thần kinh tạo nên một mạng lưới xử lý, dẫn truyền thông tin một cách tinh vi và phức tạp. Các tế bào thần kinh có tính biệt hóa cao, không sinh ra thêm trong quá trình phát triển của con người và khi một tế bào bị chết đi thì nó cũng không thể tái sinh cũng như phân chia. Trong khi đó với cấu trúc hơn 60% là chất béo đồng thời là nơi có tỉ lệ tiêu thụ oxy cao nhất, não lại là nơi bị tấn công và phá hủy nhiều nhất bởi các tác nhân oxy hóa.
Các tác nhân oxy hóa là các phân tử hóa học không ổn định sinh ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, mất một điện tử khiến chúng phản ứng mạnh do đó chúng gây tổn thương các tế bào não bằng cách lấy các electron từ phân tử khỏe mạnh của cơ thể để cân bằng bản thân. Trong quá trình này, chính những phân tử khỏe mạnh lại trở thành các tác nhân oxy hóa lần lượt tấn công những phân tử kế cận và một phản ứng dây chuyền xảy ra khiến hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn phân tử khỏe mạnh bị ảnh hưởng. Cơ thể thường có thể xử lý một lượng nhỏ những “kẻ phá hoại” này, nhưng khi số lượng chúng tăng lên quá mức, thì nó sẽ gây tác hại lớn đến các tế bào, làm thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa, lão hóa của cơ thể.
Thoái hóa não (ảnh minh họa)
Ở não, các tác nhân oxy hóa sẽ làm tổn hại đến thành mạch máu và tế bào não. Quá trình nuôi dưỡng kém cộng với tác hại của các chất thải này làm tế bào chết dần chết mòn, gây nên nhiều bệnh lý cho người bệnh. Khởi đầu mỗi người có khoảng 100 tỉ tế bào não, nhưng đến tuổi 20 con số này giảm dần và đến tuổi 40 mỗi ngày một người mất khoảng 10.000 tế bào, việc này gây ảnh hưởng rất nhiều đến trí nhớ, vận động và mọi sinh hoạt của con người.
Sự phá hủy của các tác nhân oxy hóa là một quá trình nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm chậm lại thoái hóa lão hóa này nhờ vào việc duy trì một lối sống lành mạnh, tránh tress, tránh xa hóa chất độc hại, hình thành thói quen ăn uống khoa học, bổ sung nhiều chất chống oxy hóa...
- Giữ tâm trạng lạc quan yêu đời, chủ động gạt bỏ những vấn đề có thể gây tâm lý bi quan, lo lắng, xây dựng mối quan hệ tốt với gia đình và những người xung quanh, học cách nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực.
- Thường xuyên luyện tập đều đặn về cả thể lực lẫn trí tuệ, như đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, đồng thời tập thể dục thể thao, đi bộ, tập thở, tập tĩnh tâm thư giãn... phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe từng người.
- Sinh hoạt điều độ, không làm gì quá sức bình thường, giữ gìn trạng thái cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa ăn uống và luyện tập, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thời gian ở nhà và thời gian tham gia hoạt động ngoài trời.
- Ăn uống đúng và đủ theo nhu cầu của mình, không nên nghiện bất cứ thứ gì, hạn chế thịt - nhất là mỡ, ăn nhiều rau quả tươi, giảm chất bột, giảm bánh kẹo, giữ cơ thể cân đối không béo và cũng không gầy. Nên nhớ để cơ thể khỏe mạnh, thức ăn cần có 80% là ngũ cốc, không nên ăn quá no, người già nên ăn thêm đậu tương, vừng lạc, tôm cua, ốc hến để bổ sung chất đạm.
- Lựa chọn môi trường sống trong lành: Việc sống trong một môi trường trong lành, không ô nhiễm sẽ giúp con người thư thái và hạn chế sinh ra các tác nhân gây hủy hoại tế bào.
Mặc dù quá trình sinh ra của các tác nhân oxy hóa gây phá hủy tế bào là không thể tránh khỏi, tuy nhiên nếu biết cách điều hòa cuộc sống, con người vẫn có thể làm chậm được quá trình lão hóa, giữ sự minh mẫn, tránh các bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh như chứng run tay chân, bệnh alzheimer, đồng thời kéo dài tuổi thọ.
Hãy có một lối sống lành mạnh và hướng suy nghĩ tích cực để làm cho chiếc đồng hồ sinh học của chúng ta chạy chậm lại đồng thời giữ bộ máy cực kỳ tinh vi và quan trọng là bộ não được bền vững và hoạt động tốt hơn.