Trầm cảm - dấu hiệu thường bị bỏ quên ở người bệnh Parkinson

A- A+

Khoảng 40% người bệnh parkinson xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, có thể trước hoặc sau khi phát hiện bệnh, biểu hiện này thường bị bỏ qua trong điều trị.

Trầm cảm - dấu hiệu thường gặp ở người bệnh Parkinson

Trầm cảm là một cảm giác trống rỗng hay thường xuyên buồn rầu, thất vọng trong thời gian dài. Những người bị trầm cảm thường có các biểu hiện như mệt mỏi, luôn có cảm giác thiếu năng lượng, khó đi vào giấc ngủ hay ngủ quá nhiều, rối loạn giấc ngủ đêm, khó tập trung, chán ăn hoặc tăng cảm giác ngon miệng, tăng cân nhanh… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trầm cảm sẽ ngày càng tiến triển tồi tệ hơn, khiến người bệnh luôn có cảm giác thất vọng, chán nản và sinh ra những ý nghĩ tiêu cực mà người bệnh không kiểm soát được như tấn công người những xung quanh, làm hại bản thân hay tự sát…

Trầm cảm thường gặp ở người bệnh Parkinson, có đến 40% người bệnh xuất hiện dấu hiệu trầm cảm trước các triệu chứng của rối loạn vận động (run tay chân, rung giật, cứng đờ, chậm di chuyển, chân không nhấc cao…). Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng có thể là triệu chứng của bệnh Parkinson như cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, rối loạn giấc ngủ đêm. Do vậy, trầm cảm có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh Parkinson, đặc biệt là ở những người trên 60 tuổi (độ tuổi trung bình khởi phát bệnh Parkinson). Trầm cảm khiến tình trạng rối loạn vận động ở người bệnh tiến triển nhanh hơn, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Lo lắng, buồn phiền, cảm giác mệt mỏi thường xuyên là các dấu hiệu của trầm cảm

Lo lắng, buồn phiền, cảm giác mệt mỏi thường xuyên là các dấu hiệu của trầm cảm

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người bệnh Parkinson

Tiến triển bệnh lý dẫn đến thay đổi các yếu tố sinh học, tâm lý người bệnh và tác dụng phụ của thuốc điều trị là những nguyên nhân chính gây trầm cảm ở người bệnh Parkinson:

- Yếu tố sinh học: Bệnh Parkinson gây ảnh hưởng đến các trung tâm điều khiển suy nghĩ, cảm xúc của não, đồng thời làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, dopamine, norepinephrine – các chất trung gian hóa học tác động trực tiếp lên hệ thần kinh) dẫn đến các biểu hiện của rối loạn tâm thần như trầm cảm, suy giảm nhận thức, mất trí nhớ…

- Yếu tố tâm lý: Run tay chân, cứng cơ, chậm vận động cũng khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các động tác rất đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày như: cầm cốc nước, bát cơm, gắp thức ăn, viết chữ, di chuyển, nói chuyện… Bên cạnh đó họ luôn có suy nghĩ tiêu cực vì đang phải sống chung với một căn bệnh mãn tính. Do vậy, người bệnh luôn có cảm giác buồn chán, thất vọng, không tự tin khi tiếp xúc với mọi người, thu mình lại với cuộc sống bên ngoài, gây nên bệnh trầm cảm hay làm nặng hơn tình trạng trầm cảm đã xuất hiện trước đó.

- Tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc điều trị bệnh Parkinson hiện nay có thể gây ra các tác dụng phụ như trầm cảm, kích động tâm thần, buồn ngủ, buồn nôn, chán ăn… Các tác dụng phụ này xuất hiện khi sử dụng quá liều hoặc có thể xuất hiện ở liều điều trị. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ liều điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều hay bỏ thuốc. Khi xuất hiện một trong những tác dụng phụ của thuốc cần thông báo ngay với bác sĩ để được đổi thuốc phù hợp.

Điều trị trầm cảm ở người bệnh Parkinson thường bị bỏ qua?

Trầm cảm là triệu chứng rối loạn tâm thần thường gặp ở người bệnh Parkinson, tuy nhiên lại ít được chú ý đến trong điều trị - theo một nghiên cứu mới của các nhà điều tra Northwestern Medicine phối hợp với Tổ chức quốc tế Parkinson (NPF).

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 7000 hồ sơ bệnh nhân Parkinson của NPF và nhận thấy: Trong số những người bệnh có các biểu hiện rõ rệt của triệu chứng trầm cảm thì chỉ có 1/3 người bệnh được sử dụng thuốc điều trị bệnh trầm cảm và hầu như không được tư vấn về sức khỏe tâm thần. Tiếp tục theo dõi một năm, 2/3 số người bệnh không được điều trị bệnh trầm cảm thì chỉ có khoảng 10% trong số họ nhận được thuốc điều trị trầm cảm hay được tư vấn về sức khỏe tâm thần.

Thực tế cho thấy, nếu không điều trị bệnh trầm cảm cùng với bệnh Parkinson thì sẽ làm nặng hơn các triệu chứng rối loạn vận động, giảm chất lượng cuộc sống người bệnh và có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực như tự sát. Do vậy các bác sĩ cần lưu ý đến việc phát hiện cũng như điều trị trầm cảm ở người bệnh Parkinson, đồng thời cảnh báo người bệnh về các triệu chứng, nguy cơ của bệnh trầm cảm để người bệnh có thể tự phát hiện và thông báo với bác sĩ nhằm sớm được điều trị.

Phương pháp điều trị trầm cảm ở người bệnh Parkinson

Thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu là 2 phương pháp điều trị tiếp cận toàn diện lên các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người bệnh Parkinson:

Tâm lý vui vẻ, thoải mái mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm

Tâm lý vui vẻ, thoải mái mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm

- Phương pháp tâm lý trị liệu giúp tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc, hành vi của người bệnh, đưa người bệnh trở về trạng thái bình thường và xóa bỏ những hành vi, suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống. Người bệnh có thể đến gặp các chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần hay tham gia các chương trình xã hội hỗ trợ bệnh Parkinson. Ngoài ra, sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của những người xung quanh cũng giúp người bệnh có tâm lý vui vẻ, thoải mái, cải thiện tình trạng bệnh.

- Nếu phương pháp tâm lý trị liệu ít có hiệu quả với người bệnh hay những người bệnh đã có tình trạng trầm cảm nặng thì cần kết hợp sử dụng thuốc điều trị. Một số thuốc điều trị thường được sử dụng như nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (Fluoxetine, Sertraline, Paroxetine…) hay thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần…

- Thường xuyên luyện tập thể dục không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh mà còn giúp người bệnh cảm thấy thư thái, tinh thần sảng khoái, góp phần cải thiện triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bổ sung thêm một số vitamin khoáng chất giúp ổn định dẫn truyền, nuôi dưỡng tế bào thần kinh như magie, vitamin B1, B6, B12

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng trầm cảm ở người bệnh Parkinson không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn vận động.

Ds. Minh Phương

Nguồn tham khảo:
http://www.medicalnewstoday.com/
http://www.parkinson.org/

Chia-se-benh-nhan-chua-Parkinson