Chân và tay trái bị run, cứng đờ, đi lại chậm chạp có phải Parkinson?

  • Tôi năm nay 58 tuổi, trước đây 2 năm tôi bị biến cố về kinh tế nên tinh thần và sức khỏe bị suy sụp, cũng tại thời điểm đó tôi bị bệnh gút. Từ đó tôi uống thuốc bác sĩ cấp gần như 6 tháng bệnh gút cũng giảm hẳn, nhưng trong quá trình uống thuốc của bác sĩ, tôi hay dùng quá liều. Cũng sau đó, thời gian sau cơ thể tôi một bên trái chân và tay bị cứng đơ đi lại chậm chạp, vận động khó khăn, bàn cánh tay trái có run nhẹ. Sau đó tôi có đi thăm khám và bác sĩ kết luận bị Parkinson, đồng thời kê cho tôi dùng Syndopa thì thấy các triệu chứng cũng có thuyên giảm. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất băn khoăn. Xin hỏi chuyên gia, theo như tiền sử và triệu chứng của tôi như vậy thì có phải là tôi đã bị bệnh Parkinson không? Xin trân trọng cảm ơn.

    Icon

    Chào bác,

    Chúng tôi xin gửi tới bác câu trả lời của GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam như sau:

    Đúng là với những triệu chứng như của bác mô tả: chân và tay trái bị run, cứng đờ, đi lại chậm chạp là những biểu hiện tương đối điển hình của bệnh parkinson. Tuy nhiên, do tôi không được trực tiếp thăm khám cho bác nên rất khó để đưa ra được kết luận chính xác. Bởi ngoài triệu chứng biểu hiện của bác, còn có thêm nhiều thông tin khác: thứ nhất bác đã cao tuổi, thứ hai bác lại bị các bệnh rối loạn chuyển hóa axit uric như gút; thứ ba bác đã được điều trị với Syndopa và các triệu chứng có thuyên giảm.

    Theo ý kiến của cá nhân tôi, bác có thể bị hội chứng Parkinson, không phải bệnh Parkinson. Tức là bác có các triệu chứng giống tương tự như bệnh Parkinson. Tôi e rằng nguyên nhân là do mạch máu não hoạt động không tốt, điều này hay gặp ở người lớn tuổi, nên thường có các biểu hiện kiểu hội chứng Parkinson do rối loạn ngoại tháp. Đây là hội chứng có các biểu hiện đa dạng và phong phú, rộng hơn của Parkinson. Mặt khác, có thể là rối loạn chuyển hóa như gút, rối loạn về mỡ máu, gan ở người cao tuổi như bác làm cho bác đi lại vận động khó khăn.

    Tốt nhất bác nên đi thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hay bệnh viện Đại học y dược ở TP.Hồ Chí Minh, để được làm thêm một số xét nghiệm cần thiết và chuẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh.

    Chúc bác sức khỏe!

    Xem thêm:

    Câu chuyện về vợ chồng ông Hưởng, bà Thơm về điều trị parkinson sau tai biến.

    Chữa bệnh parkinson bằng đông y

Câu hỏi chuyên gia