Đột phá mới trong điều trị bệnh Parkinson năm 2014

A- A+

Bước đột phá mới trong điều trị bệnh Parkinson năm 2014, đã được các nhà khoa học thuộc Đại học Plymouth ở Anh công bố mới đây vào ngày 5/11: “Việc ức chế sự phân hạch của ty thể trong tế bào thần kinh có thể giúp ngăn chặn bệnh Parkinson”. Phát hiện này được hứa hẹn là chìa khóa tiềm năng trong việc chữa trị bệnh Parkinson trong tương lai.

Ở người bệnh Parkinson, vì một nguyên nhân nào đó khiến những tế bào sản sinh ra chất dopamine bị suy thoái và chết dần. Dopamine là một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác ở bên trong của não, nó giúp cho tế bào não chỉ huy và kiểm soát được các cử động của bắp thịt ở chân tay và ở mặt. Khi thiếu chất dopamine, não không thể chỉ huy vận động cơ bắp được như bình thường, gây ra các triệu chứng như run, cứng đờ và chậm vận động… Việc hiểu được cơ chế tại sao các tế bào thần kinh sản sinh ra dopamin bị thoái hóa có thể là chìa khóa dẫn tới phương pháp điều trị mới cho bệnh Parkinson.

Ty thể là những cấu trúc nhỏ trong tế bào thần kinh, được ví như nhà máy phát điện của tế bào, có vai trò giữ cho các tế bào khỏe mạnh và làm việc chính xác. Ty thể có thể thường xuyên thay đổi về hình dạng, kích thước, số lượng và vị trí thông qua quá trình phân hạch hoặc phản ứng tổng hợp protein trong ty lạp thể.

Ức chế phân hạch ty thể có thể là chìa khóa chữa bệnh Parkinson

Ức chế phân hạch ty thể có thể là chìa khóa chữa bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên chuột bị bệnh Parkinson và phát hiện ra rằng: khi chặn lại quá trình phân hạch của một protein ty thể bằng cách sử dụng gen trị liệu hoặc phương pháp hóa học, thì có thể làm giảm được sự thoái hóa của các tế bào thần kinh và tăng tiết Dopamin trở lại, chặn đứng tiến trình của bệnh Parkinson trên chuột.

Tiến sĩ Kim, tác giả nghiên cứu cho biết: “Phát hiện này không chỉ mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh Parkinson, mà còn cho các bệnh thần kinh khác như bệnh Alzheimer, bệnh Huntington và xơ cứng teo cơ cột bên”.

Claire Bale, Giám đốc Nghiên cứu Truyền thông về Parkinson tại Vương quốc Anh, cũng cho biết thêm: "Nhiều thập kỷ qua, chúng tôi đã biết đến vai trò quan trọng của ty thể với sự thoái hóa của tế bào thần kinh trong bệnh Parkinson, nhưng các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn chưa mang lại kết quả. Cho đến ngày hôm nay, nghiên cứu của TS Kim đã thực sự tạo nên một bước tiến đầy hứa hẹn đối với việc làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển của bệnh Parkinson, thông qua việc tác động vào các ty thể".

Hiện tại các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm nhiều hơn nữa, trước khi chuyển sang thí nghiệm trên động vật có liên quan gần hơn với con người. Những thử nghiệm bước đầu đã mang lại kết quả tương đối khả quan, mở ra hy vọng mới cho người bệnh Parkinson trong tương lai.

Theo Western Daily Pres

Chia-se-benh-nhan-chua-run-chan-tay