Một số bài tập yoga cho người bệnh run

A- A+

Tập Yoga có thể làm giảm bớt triệu chứng lo âu, stress, trầm cảm và làm giảm chứng run do bị rối loạn thần kinh thực vật.

Đối với người bệnh mắc chứng run, đặc biệt là run do rối loạn thần kinh thực vật bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì việc điều chỉnh cảm xúc và rèn luyện sự dẻo dai cho cơ thể cũng góp phần rất hữu ích cho việc làm giảm các triệu chứng bệnh. Trong đó luyện tập Yoga là một trong những phương pháp rèn luyện cả thể chất và tinh thần hiệu quả nhất. Tuy không phải là một loại thuốc đặc trị căng thẳng, nhưng Yoga có thể giảm bớt triệu chứng lo âu, tress và trầm cảm bằng cách chuyển trọng tâm và sự tập trung của cơ thể đến hơi thở. Do đó Yoga là một phương pháp rất phù hợp cho tình trạng rối loạn thần kinh thực vật ở người bệnh mắc chứng run.

Một số bài tập Yoga tham khảo cho người bệnh run:

1. Tư thế trồng cây chuối (Salamba Sirsasana)

Trồng cây chuối có thể giúp giảm bớt sự lo lắng bằng cách đảo ngược lưu lượng máu, nhờ đó bạn sẽ tập trung vào hơi thở và cơ thể của mình hơn. Ngoài ra trồng cây chuối còn giúp điều hòa cơ thể, giải độc, cải thiện trí nhớ và các chức năng khác của não. Có vẻ như đây là một động tác khó, nhưng trên thực tế, tất cả mọi người đều có thể thực hành với sự giúp đỡ của huấn luyện viên. Cùng với sự trợ giúp của một bức tường, người tập sẽ dễ dàng dựng ngược cơ thể và cảm thấy dễ chịu hơn. Với tác dụng tuyệt vời trong việc thư giãn tinh thần, trồng cây chuối được mệnh danh “là vua của các tư thế yoga”. 

Tư thế trồng cây chuối (Salamba Sirsasana)

2. Tư thế bào thai (Balasana)

Giống như một bào thai, đầu gối và hông bị bẻ cong với cẳng chân trên sàn nhà, ngực lọt giữa hai đầu gối, trán chạm đất, tư thế này giúp cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn. Những ai từng tập động tác này sẽ cảm nhận được sự thoải mái và nhẹ nhàng mà nó mang lại. Nằm ngay trên bụng của mình sẽ giúp giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả. Vì vậy tư thế bào thai được đánh giá là một trong những điểm tinh túy của bất cứ trường phái Yoga nào.

Tư thế bào thai

3. Tư thế đại bàng (Garudasana)

Tư thế đối xứng giúp thực hành cân bằng, tránh xa sự phức tạp của tâm trí, hiệu chuẩn các phản ứng của cơ thể. Tư thế đại bàng tập trung vào mắt cá chân, bắp chân, đùi, hông và vai. Tư thế này cũng gắn với huyền thoại về Garuda, vua của các loài chim hay còn gọi là đại bàng. Giữ tư thế này 30 - 60 giây cho mỗi bên thực sự mang lại sự tĩnh tâm và điều hòa cần thiết khi cảm thấy mệt mỏi.

Tư thế đại bàng

4. Tư thế xác chết (Savasana)

Tư thế xác chết được thực hành vào cuối các buổi tập hoặc bất cứ lúc nào cảm thấy choáng ngợp vì tập luyện quá tải. Nằm ngửa với cánh tay buông thoải mái hai bên thân người, tập trung vào hơi thở khoảng 10 – 30 phút, dần dần, cơ bắp sẽ được thư giãn. Tư thế xác chết ra đời nhằm mục đích trẻ hóa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Đây cũng được coi là động tác quan trọng nhất trong thực hành Yoga.

Tư thế xác chết

5. Tư thế bán nguyệt (Ardha Chandrasana)

Lấy cảm hứng từ nguồn năng lượng mặt trời và mặt trăng hội tụ, tư thế bán nguyệt là động tác cân bằng cơ thể với một bên chân nâng lên 90 độ và tay chống lên sàn hoặc khối đỡ. Theo các chuyên gia, việc tập trung cân bằng cơ thể sẽ đánh lạc hướng của tâm trí, nhờ đó sự lo âu cũng thuyên giảm.

Tư thế bán nguyệt

6. Tư thế hỗ trợ cơ thể (Salamba Sarvangasana)

Hỗ trợ cơ thể được gọi là “nữ hoàng của các tư thế trong yoga”. Nằm với cánh tay đặt dưới lưng, từ từ nâng cơ thể với sự hỗ trợ của đầu và vai, tư thế này đóng vai trò là “cú sốc” khác thường nhằm đánh bại tâm trạng tiêu cực. Tuy nhiên, các chuyên gia chống chỉ định tư thế hỗ trợ cơ thể cho những bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, đau thắt ngực, có vấn đề về cột sống, viêm khớp, loãng xương… đồng thời người tập luyện còn phải hết sức cẩn thận để tránh chấn thương cổ trong khi thực hành tư thế này.

Tư thế hỗ trợ cơ thể

7. Tư thế cây xanh (Vrksasana)

Trước khi chuyển sang thực hiện tư thế đại bàng và nửa mặt trăng, người mới bắt đầu tập yoga được khuyên tập tư thế cây xanh nhằm giữ cân bằng cơ thể, giúp tĩnh tâm và thúc đẩy sự tập trung. Chuyển lần lượt các chân bẻ cong, đặt trên đùi chân còn lại, tạo hình hoa sen trong khoảng 30 - 60 giây, cơ thể sẽ được luyện tập để trở nên vững chãi, ý chí hơn. 

Tư thế cây xanh

 8. Tư thế đảo ngược, chân không tựa vào tường (Viparita Karani)

Một tư thế nhằm giải tỏa tâm trạng lo âu hết sức đơn giản và cũng nhẹ nhàng cho người mới bắt đầu tập yoga. Không cần quá dẻo dai hoặc mạnh mẽ, tư thế đảo ngược chân không tựa vào tường đã có thể thư giãn cơ quan thần kinh. 

Tư thế đảo ngược, chân không tựa vào tường

9. Tư thế gập thân (Uttanasana)

Gập cong thân người với lòng bàn tay úp trên sàn thử thách độ dẻo dai, chịu đựng của cơ thể. Tư thế này được đánh giá là cực kỳ ưu việt để thư giãn nửa thân trên của cơ thể, làm tâm trí bình tĩnh trở lại. Tư thế gập thân cũng đã được chứng nhận về tác dụng rõ rệt trong vật lý trị liệu.

Tư thế gập thân

10. Tư thế của loài cá (Matsyasana)

Tư thế bắt chước loài cá, nằm trên lưng và nâng ngực lên giúp giảm thiểu mệt mỏi và lo âu. Người mới tập tư thế này nên có một tấm chăn lót đầu nếu cảm thấy không thoải mái. Về lâu dài, động tác nhìn có vẻ khó khăn này sẽ trở nên dễ dàng và được ưa chuộng vì tác dụng xoa dịu thần kinh rất hữu hiệu.

Tư thế của loài cá

11. Bài tập hô hấp (Pranayama)

Ngồi xếp bằng thoải mái, bàn tay đặt lên đầu gối, lòng bàn tay ngửa. Nhắm mắt và từ từ hít vào trong 6 nhịp đếm, cho phép bụng giãn rộng. Ngừng 2 nhịp trước khi thở ra, giai đoạn thở ra cũng diễn ra trong 6 nhịp, thóp bụng lại, ngừng trong hai nhịp và tiếp tục hít vào. Tập bài hô hấp này trong vòng 10 phút.

Bài tập hô hấp

Bất kỳ bài tập thể dục nào cũng có thể giúp chống lại sự mệt mỏi, nhưng bài hô hấp sâu và chậm của Yoga được chứng minh là rất hiệu quả đối với việc giải toả trạng thái căng thẳng của đầu óc và đưa nó trở về trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn. Một nghiên cứu của Đức cho thấy phụ nữ tập Yoga có những cải thiện đáng kể tâm trạng lo lắng, stress so với những người không tập Yoga và mức độ cortisol, hormone gây ra stress, cũng giảm đi - đặc biệt hữu hiệu trong việc điều hòa tâm lý, giảm hồi hộp, giảm triệu chứng run với những người mắc chứng run do rối loạn thần kinh thực vật.

Đọc thêm phương pháp bổ trợ điều trị bệnh run được kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại đã mang lại hy vọng cho người mắc bệnh run.

chia-sẻ-VLK.jpg