Một số phương pháp cải thiện triệu chứng bệnh Parkinson

A- A+

Một số phương pháp như: châm cứu, tập nâng vật nặng, cấy ghép thiết bị điện trong não giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh Parkinson.

Châm cứu giúp cải thiện triệu bệnh Parkinson

Các nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể điều trị nhiều bệnh, từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến đau mạn tính hay khô miệng ở bệnh nhân ung thư. Thậm chí châm cứu còn giúp cai thuốc lá.

Tap-nang-vat-nang-tot-cho-nguoi-benh-Parkinson

Châm cứu làm giảm triệu chứng bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Một nghiên cứu nhỏ lần đầu tiên được tạp chí Medical News Today báo cáo, cho biết châm cứu giúp cải thiện các triệu chứng run ở bệnh nhân Parkinson do hiệu quả của nó lên các vùng não đặc biệt. Châm cứu làm tăng đáp ứng của tế bào thần kinh ở các vùng não bị suy giảm chức năng do bệnh Parkinson.

Nghiên cứu được thực hiện trên 12 người mắc bệnh Parkinson và 12 người không bị bệnh. Tất cả những người tham gia đều được chụp fMRI lúc bắt đầu nghiên cứu, sau đó được điều trị bằng châm cứu. Sau khi châm cứu, họ lại được chụp fMRI. Kết quả là sau châm cứu, các vùng não bị tác động bởi bệnh Parkinson như nhân bèo, nhân đuôi, đồi thị và chất xám đều tăng khả năng tiếp nhận và đáp ứng.

Cấy ghép thiết bị điện trong não

Các nhà khoa học Đức và Pháp đã tìm ra một thiết bị điện được cấy ghép vào não có thể giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson.

Giáo sư thần kinh học Gunther Deushcl từ Trường đại học Christian-Albrechts ở Kiel (Đức) và các đồng nghiệp ở Pháp tiến hành nghiên cứu 251 đối tượng trong vòng 2 năm. Đây là những bệnh nhân tại Đức và Pháp mắc bệnh Parkinson khoảng 7 năm.

Nghiên cứu chia các bệnh nhân thành 2 nhóm: một nhóm được cấy ghép vào não thiết bị điện kích thích não sâu; và một nhóm khác chỉ điều trị bằng thuốc. Thiết bị được cấy ghép tương tự như thiết bị điều hòa nhịp tim, kết nối với những điện cực được đặt vào những nơi nhất định trong não. Thiết bị kết nối với một pin nhỏ đặt dưới da ở ngực hoặc ở bụng để phát ra những tín hiệu điện nhẹ nhằm kích thích não. Một thiết bị cầm tay sẽ được dùng để mở hoặc tắt thiết bị. Khi hoạt động, thiết bị sẽ ngăn những tín hiệu thần kinh bất thường có thể dẫn đến những triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy những đối tượng được cấy ghép thiết bị trên đã cải thiện được 26% chất lượng sống (như đi lại, nói chuyện, viết), so với tình trạng không cải thiện ở những người chỉ điều trị bằng thuốc. Các đối tượng được cấy ghép thiết bị điện vào não cũng dùng ít thuốc hơn và không có những biến chứng liên quan đến thuốc trong khi những bệnh nhân điều trị bằng thuốc phải tăng liều lượng.

Chi phí cấy ghép khoảng 30.000 bảng Anh (khoảng hơn 900 triệu đồng Việt Nam). Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y học của Anh.

Tập nâng vật nặng giúp giảm triệu chứng bệnh Parkinson

Một thông tin mới từ hội nghị chuyên ngành thần kinh học vừa được tổ chức tại New Orleans (Mỹ) cho biết việc tập luyện sức nặng (ví dụ: nâng tạ) khoảng hai lần/tuần có thể giúp giảm các triệu chứng đi chậm, run, cứng cơ thường gặp ở những bệnh nhân Parkinson.

Tap-nang-vat-nang-tot-cho-nguoi-benh-Parkinson.jpg

Tập nâng vật nặng tốt cho người bệnh Parkinson (ảnh minh họa)

Các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Illinois (Chicago, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 48 bệnh nhân Parkinson tuổi trung bình là 59. Họ được phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm với thời gian tập luyện 1 giờ/buổi, hai buổi/tuần kéo dài trong hai năm: một nhóm tập luyện theo phương pháp sức nặng và một nhóm tập luyện theo phương pháp chuẩn.

Cả hai phương pháp đều nhằm nâng cao tính linh hoạt, sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng. Kết quả cho thấy cả hai phương pháp trên đều mang lại hiệu quả sau sáu tháng.

Tuy nhiên hiệu quả này kéo dài đến hai năm ở nhóm theo phương pháp sức nặng. Việc tập luyện có thể áp dụng cho những bệnh nhân mới mắc bệnh cho đến những người phải ngồi xe lăn.

Nguyễn Mai

Chia-se-benh-nhan-chua-run-chan-tay