Bệnh Parkinson là một bệnh lý rối loạn chức năng vận động với các triệu chứng điển hình như run tay chân, chậm vận động, co cứng cơ… Theo thời gian, người bệnh mất dần khả năng giữ thăng bằng, sự nhanh nhẹn trong di chuyển, các cơ co cứng, dẫn đến dễ bị té ngã khi đứng hay khi đi lại.
Té ngã gặp ở khoảng 68% người bệnh Parkinson và gây ra những hậu quả nguy hiểm như chấn thương ở não, gãy xương và đặc biệt là chấn động tâm lý khiến người bệnh luôn có cảm giác sợ hãi khi đứng một chỗ hay di chuyển, có thể dẫn đến chứng trầm cảm và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo tiến triển bệnh, tần suất và mức độ run ngày càng tăng khiến người bệnh gặp khó khăn hơn khi di chuyển. Tiếp đó là triệu chứng co cứng cơ với các biểu hiện: di chuyển cứng đờ như “rôbôt”, chân không thể nhấc cao như bị mắc kẹt ở dưới mặt sàn, bước ngắn, tay giảm vung vẩy khi di chuyển, khép sát vào thân, lưng còng, chúi về phía trước và dễ mất cân bằng do giảm tính linh hoạt, khả năng thích ứng ở cổ, thân. Các triệu chứng trên thường xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng té ngã ở người bệnh Parkinson.
Run tay chân, chân không nhấc cao, còng lưng khiến người bệnh Parkinson dễ bị té ngã
Bên cạnh đó, một số yếu tố như ảo giác, giảm thị lực, táo bón, rối loạn giấc ngủ, chấn động tâm lý… cũng góp phần làm tăng nguy cơ té ngã ở người bệnh Parkinson.
- Ảo giác, suy giảm thị lực: khiến người bệnh không nhận biết được các chướng ngại vật phía trước để né tránh mà dẫn đến té ngã.
- Táo bón: không chỉ làm tăng kích thích nhu động ruột mà còn kích thích cả dây thần kinh phế vị gây hạ huyết áp tư thế, khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt và tăng áp lực lên bàng quang, góp phần làm cho người bệnh đi tiểu không tự chủ, người bệnh có thể vội vã di chuyển và bị té ngã.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ hay khó đi vào giấc ngủ vào ban đêm, dẫn đến buồn ngủ vào ban ngày, người bệnh có thể ngủ trong khi đang hoạt động, di chuyển.
- Suy nhược cơ thể: giảm vị giác, chán ăn, thiếu ngủ khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và thường bị hoa mắt, chóng mặt, làm tăng khả năng bị té ngã.
- Chấn động tâm lý: sau một lần bị té ngã, người bệnh sẽ có tâm lý sợ hãi, e ngại khi di chuyển, dẫn đến dễ bị té ngã hơn. Bên cạnh đó, sự giảm vận động có thể làm cho bệnh Parkinson tiến triển nhanh hơn và làm nặng hơn các triệu chứng suy giảm vận động – cơ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc điều trị giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện vận động ở người bệnh Parkinson, nhưng thường không có tác dụng đối với việc giữ ổn định và cân bằng. Không chỉ vậy, việc dùng từ 4 loại thuốc trở lên có thể gây tương tác thuốc. Mặt khác, một số thuốc còn để lại biến chứng như loạn vận động, chuyển động bất thường. Đây là những lý do khiến sử dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở bệnh nhân Parkinson.
Xem thêm:
• TPCN Vương Lão Kiện – Giúp làm giảm run ở người bệnh Parkinson • Thiên ma - Câu đằng vị thuốc quý trong điều trị bệnh run
Luyện tập thường xuyên giúp giảm 70% nguy cơ bị té ngã
- Luyện tập thường xuyên: là biện pháp hữu hiệu nhất giúp làm chậm tiến trình bệnh và cải thiện chức năng vận động, do đó giúp phòng ngừa nguy cơ bị té ngã ở người bệnh Parkinson. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Sydney – Úc, luyện tập 3h mỗi tuần liên tục trong 6 tháng giúp giảm 70% nguy cơ bị té ngã so với những người không luyện tập. Bên cạnh đó, luyện tập thể dục, thể thao còn giúp tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ vào đêm hơn và ngăn ngừa, cải thiện chứng trầm cảm.
Người bệnh có thể lựa chọn một số bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như hít sâu thở chậm, đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga, thiền… hoặc nếu bệnh mới ở giai đoạn đầu có thể tập các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, đạp xe, bơi lội…
- Giữ thăng bằng trước khi di chuyển: rất quan trọng để phòng ngừa té ngã, bởi vậy khi thay đổi tư thế như đang nằm hay ngồi rồi đứng dậy, chuyển hướng di chuyển thì người bệnh cần phải chắc chắn không có hiện tượng choáng váng và cân bằng cơ thể thì mới bắt đầu di chuyển.
- Cải thiện hiện tượng “bật – tắt”: Bệnh Parkinson thường xuất hiện tượng “bật – tắt” (vận động quá mức hay bị cứng đờ) nếu không sử dụng thuốc điều trị hay liều điều trị không phù hợp với tình trạng bệnh. Do vậy, bạn cần tuân thủ chỉ định và thông báo ngay với bác sĩ nếu hiện tượng trên xảy ra với mức độ, tần suất tăng dần để có sự điều chỉnh liều thích hợp. Mặt khác, khi xuất hiện tình trạng “bật – tắt” thì không được di chuyển và cần sự giúp đỡ của người thân.
- Dụng cụ hỗ trợ: Khi chức năng vận động suy giảm, nên có sự hỗ trợ của người thân hay người bệnh cần phải sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi lại như gậy chống, khung tập đi, xe đẩy… sẽ giúp di chuyển dễ dàng hay giữ thăng bằng tốt hơn và có thể tránh được nguy cơ bị té ngã. Đặc biệt, khi đến những nơi đông người, thì nên mang theo các dụng cụ hỗ trợ đi lại để tránh té ngã khi bị va chạm. Người bệnh có thể điều trị bằng vật lý trị liệu, sẽ giúp cải thiện chức năng vận động, hạn chế tình trạng co cứng cơ, còng lưng, chúi người về phía trước, do đó giúp phòng ngừa nguy cơ bị té ngã.
- Sắp xếp đồ vật: Sự bài trí các đồ vật trong không gian di chuyển của người bệnh cũng rất quan trọng. Không nên để các đồ vật dễ bị dịch chuyển, trơn trượt như bàn có bánh xe, thảm trơn sẽ khiến người bệnh dễ mất thăng bằng. Một số không gian như phòng tắm, phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách hay những nơi người bệnh thường xuyên đến nên có tay vịn hoặc đồ vật vững chắc, bề mặt nhám để người bệnh có thể dễ dàng bám vịn khi cần thiết. Mặt khác, người bệnh nên hạn chế đi lên các bậc thang hoặc cần phải có người đi cùng và cầu thang có tay vịn dễ bám, không bị trơn trượt. Vì nếu bị té ngã ở cầu thang có thể gây ra những chấn thương nguy hiểm cho người bệnh như tổn thương não, gãy xương…
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón và tăng cường sức khỏe toàn trạng. Người bệnh nên uống nhiều nước lọc (ít nhất 2 lít mỗi ngày), tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả tươi và ăn những thực phẩm mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đặc biệt cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D, canxi, phosphate như cá mòi, cá ngừ, cá thu, sữa, ngũ cốc, bơ thực vật, đậu phụ… và thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sẽ giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ bị té ngã. Thực đơn phong phú, đảm bảo dưỡng chất sẽ giúp người bệnh có cảm giác ngon miệng, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người bệnh.
Sự quan tâm, chăm sóc của người thân sẽ giúp phòng ngừa té ngã ở người bệnh Parkinson
- Giúp đỡ của người thân: Sự động viên, quan tâm của người thân sẽ giúp người bệnh có tâm lý vui vẻ, thoải mái, có thể ngăn ngừa hay cải thiện tình trạng trầm cảm, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh như mất ngủ, chán ăn, ảo giác, trầm cảm… để có phương pháp điều trị kịp thời và hạn chế được tình trạng bị té ngã khi người bệnh di chuyển.
- Trao đổi với bác sỹ: Nếu bệnh nhân, hoặc người chăm sóc nhận thấy nguy cơ té ngã cao ở người bệnh, cần trực tiếp nói chuyện với bác sỹ để tìm sự tư vấn thích hợp. Nếu như yếu tố nguy cơ gây té ngã là do thuốc điều trị, bác sỹ sẽ cân nhắc đổi thuốc cho phù hợp với bệnh nhân, hoặc giảm số lượng các loại thuốc để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn có thể gặp phải.
Nếu như tuổi tác làm tăng nguy cơ té ngã ở bất kỳ người cao tuổi nào, thì bệnh Parkinson còn khiến cho nguy cơ ấy tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy, áp dụng triệt để các biện pháp phòng ngừa là cách hữu hiệu và vô cùng cần thiết để đem lại sự an toàn và bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh.
Trích nguồn: http://www.pdf.org