Thuốc điều trị Parkinson Levodopa có thể giảm tác dụng khi uống sau bữa ăn giàu Protein (đạm).
Khi bắt đầu sử dụng Levodopa, thường bệnh nhân sẽ được bác sĩ nhắc nhở về việc nên uống thuốc ngay sau khi ăn do tác dụng phụ của thuốc trên dạ dày nếu uống lúc đói. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc ngay sau khi ăn có ảnh hưởng gì đến việc hấp thu và tác dụng của thuốc hay không? Đây là một vấn đề mà bệnh nhân Parkinson đang sử dụng Levodopa cần đặc biệt lưu ý do một số loại thức ăn sẽ gây cản trở việc hấp thu và từ đó làm giảm đáng kể hiệu quả điều trị của thuốc.
Levodopa (hoạt chất chính trong Madopar) là "tiêu chuẩn vàng" điều trị bệnh Parkinson
Levodopa được dùng theo đường uống, đi vào dạ dày đến ruột, tại ruột thuốc được hấp thu vào máu và sau đó qua hàng rào máu não vào não để phát huy tác dụng. Về mặt hóa học Levodopa có cấu trúc tương tự một axit amin - là đơn vị hình thành nên protein (chất đạm) do đó được hấp thu cùng một con đường với các Protein. Chính vì vậy khi ăn các thức ăn chứa nhiều Protein cùng với thuốc chúng có thể cạnh tranh ở các vị trí hấp thu với levodopa ở cả ruột và não. Đó chính là nguyên nhân làm giảm sự hấp thu levodopa, làm giảm nồng độ thuốc trong máu và dẫn đến giảm đáng kể tác dụng của thuốc.
Trong giai đoạn đầu của Parkinson, não vẫn còn khả năng sản xuất Dopamine. Trong giai đoạn này Levodopa chỉ đóng vai trò góp phần bổ sung Dopamine, do đó người bệnh thường không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu gì của việc giảm tác dụng Levodopa khi sử dụng thuốc cùng với bữa ăn có nhiều Protein. Chính vì vậy những bệnh nhân mới ở giai đoạn đầu của bệnh chưa cần quan tâm quá nhiều đến thời điểm dùng thuốc cũng như xem xét một chế độ ăn giảm Protein.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, khi não mất dần khả năng sản xuất Dopamine và phải phụ thuộc hoàn toàn vào Levodopa, thì việc giảm hấp thu thuốc do tương tác với Protein có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn. Sự cạnh tranh vị trí hấp thu ở ruột và não sau khi ăn một bữa ăn giàu Protein kết hợp với Levodopa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nồng độ Levodopa trong máu và trong não dẫn đến việc suy giảm hiệu quả điều trị, thể hiện ở các triệu chứng bệnh không hề giảm bớt sau khi dùng thuốc. Chính vì vậy những bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn tiến triển, đặc biệt là giai đoạn cuối của bệnh parkinson, cần quan tâm nhiều đến thời điểm uống thuốc và chú ý lựa chọn một chế độ ăn phù hợp.
Sử dụng Levodopa sau bữa ăn có thể làm giảm khả năng hấp thu của thuốc
Một nguyên tắc sử dụng Levodopa đó là bệnh nhân là nên uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ. Tuy nhiên điều này có thể gây bất tiện cho bệnh nhân khi dùng thuốc hàng ngày hoặc cảm giác buồn nôn khi uống thuốc lúc đói do tác dụng trên dạ dày của Levodopa. Để khắc phục điều này người Bệnh parkinson vẫn có thể lựa chọn biện pháp uống thuốc cùng với bữa ăn, nhưng với một điều kiện: "Phải sử dụng thực phẩm ít chất đạm". Một số loại thực phẩm ít chất đạm người bệnh có thể xem xét lựa chọn như: trái cây, bánh quy giòn, bánh mì và đồ ăn nhẹ.
Xem thêm: Phát hiện mới trong nghiên cứu thuốc điều trị parkinson
Hiện nay trong điều trị bệnh Parkinson chỉ có Levodopa là thuốc có hiện tượng cạnh tranh hấp thu với Protein. Vì vậy người bệnh không cần phải lo lắng về vấn đề này với các loại thuốc khác như: Các chất chủ vận Dopamine hoặc các thuốc ức chế MAO. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể gây buồn nôn do đó cũng cần cân nhắc việc sử dụng thuốc cùng bữa ăn.
Nói tóm lại, người bệnh Parkinson khi sử dụng các thuốc điều trị cần lưu ý thời điểm uống thuốc cũng như chế độ ăn phù hợp, tránh uống thuốc cùng thức ăn chứa nhiều Protein gây tương tác ảnh hưởng đến hấp thu và hiệu quả điều trị của thuốc.
Xem thêm:
- Câu chuyện về vợ chồng ông Hưởng, bà Thơm về điều trị parkinson sau tai biến.
- Chữa bệnh parkinson bằng đông y
BTV Kim Chi