Bệnh parkinson có thể được chẩn đoán sớm bằng phương pháp đo nồng độ của α – synuclein dưới da và điều trị dứt điểm bằng vaccine α – synuclein.
Ở bệnh nhân parkinson, có nồng độ cao protein α - synuclein trong các tế bào thần kinh ở não và dưới da. Các nghiên cứu gần đây về α - synuclein đã mở ra một hy vọng mới trong chẩn đoán sớm và chữa trị dứt điểm bệnh parkinson.
Bệnh Parkinson thường được chẩn đoán muộn do ở giai đoạn đầu thường không có các triệu chứng điển hình và các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán khi các tế bào não đã tổn thương và xuất hiện các triệu chứng như run, co cứng cơ, rối loạn tâm thần…
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy nồng độ cao của một loại protein có tên là α – synuclein trong các tế bào neuron (tế bào dẫn truyền thần kinh) ở bệnh nhân parkinson. Dưới tác động của một số yếu tố như tổn thương não, sự lão hóa, đột biến gen… các nhà khoa học nhận thấy nồng độ protein này tăng lên đáng kể.
Alpha – synuclein trong các tế bào neuron ở bệnh nhân Parkinson
Nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Beth Israel Deaconess Medical (BIDMC), bệnh viện trực thuộc đại học Y Harvard cho thấy: protein α – synuclein có nồng độ cao ở các dây thần kinh dưới da và protein này xuất hiện trước cả các triệu chứng bệnh (run tay chân, co cứng cơ, mặt không biểu cảm…). Giáo sư Freeman - người đứng đầu nghiên cứu cho rằng: Sinh thiết da có thể là một biện pháp sinh học để chẩn đoán sớm bệnh parkinson, kết hợp với một số biểu hiện thường gặp trên da ở bệnh nhân parkinson như tăng hay giảm tiết mồ hôi, thay đổi màu sắc và nhiệt độ của da… Đây là biện pháp an toàn, dễ tiến hành, có thể lặp lại nhiều lần, giúp chẩn đoán sớm và xác định bệnh parkinson với một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh khác.
Bệnh parkinson được phân thành các mức độ, dựa vào các dấu hiệu triệu chứng ở hệ vận động và thần kinh:
Độ 1: Triệu chứng run 1 bên, thường bắt đầu run ở tay hoặc có thể run chân, môi, cằm.
Độ 1,5: Triệu chứng 1 bên và triệu chứng ở thần kinh (hay lo lắng, mất ngủ, trầm cảm, …)
Độ 2: Triệu chứng 2 bên nhưng chưa mất thăng bằng
Độ 3: Triệu chứng 2 bên, mất thăng bằng nhưng còn hoạt động được
Độ 4: Cứng cơ nặng, nhưng còn di chuyển được
Độ 5: Không thể đi lại được
Tiến triển bệnh phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tế bào dẫn truyền thần kinh, mà nguyên nhân chính được biết đến là do nồng độ cao của protein α – synuclein trong các tế bào này.
Một nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm nghiên cứu về các bệnh thoái hóa thần kinh ở Đức, các nhà khoa học đã nhận thấy có sự di chuyển của protein α – synuclein từ vùng hành tủy đến các khu vực não giữa và vỏ não (vùng điều khiển hoạt động) trên não chuột đã loại bỏ dopamin (ở bệnh nhân parkinson cũng có sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamin).
Vaccine alpha – synucleic điều trị Parkinson
Kết quả của các nghiên cứu này đã mở ra một hy vọng trong điều trị bệnh parkinson bằng phương pháp tác động lên sự chuyển hóa và di chuyển của protein α – synuclein trong não bộ.
Công ty công nghệ sinh học Áo AFFiRiS AG đã nghiên cứu ra vaccine α – synuclein và đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I tại Vienna và Innsbruck – Áo, với mục tiêu: Chứng minh tính an toàn, khả năng dung nạp, khả năng miễn dịch của vaccine trên bệnh nhân parkinson. Kết quả thử nghiệm trên mẫu PD01A thu được rất khả quan: Vaccine dung nạp tốt, an toàn và gây ra được một phản ứng miễn dịch giúp cải thiện được các triệu chứng bệnh. Vaccine đang tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng trên mẫu PD03A. Tiến sĩ Dieter Volc - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: PD03A là một trong những vaccine đầu tiên trên thế giới hướng tới hiệu quả điều trị bệnh parkinson bằng cách điều khiển sự chuyển hóa của α – synuclein. Bệnh parkinson gắn với sự gia tăng nồng độ và di chuyển của protein α – synucleic trong hệ thống thần kinh.
Vaccine sinh ra kháng thể để trung hòa α – synucleic, làm giảm nồng độ và ngăn ngừa sự di chuyển của protein này trong não, từ đó có thể điều trị hoàn toàn bệnh parkinson. Mặc dù đang còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng với những kết quả nghiên cứu khả quan, các nhà khoa học Áo hy vọng vaccine này sẽ được sử dụng trong một tương lai gần.
Ds. Minh Phương
Nguồn tham khảo:
http://www.medicalnewstoday.com/
http://www.medscape.com/
https://clinicaltrials.gov