Parkinson và biện pháp chăm sóc

A- A+

Chăm sóc người bệnh Parkinson cần chú ý tới chế độ ăn uống và tập luyện các bài vật lý trị liệu để giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính một số tổ chức ở não (thể vân, liềm đen), là nguyên nhân gây tàn phế ở người lớn tuổi đứng hàng thứ hai sau các bệnh tai biến mạch não. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng thường tiến triển âm thầm, nặng dần khiến người bệnh khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày dẫn đến mặc cảm tự ti về bản thân và suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.

Tiến triển của bệnh Parkinson

Khởi đầu, bệnh có thể xuất hiện với triệu chứng không điển hình như: nhanh mệt mỏi, máy cơ, cử động chậm chạp, đau mỏi cơ, vẻ mặt vô cảm…

Ở các giai đoạn sau bệnh tiến triển nặng thêm và người bệnh Parkinson thường có 3 triệu chứng điển hình: run, cứng cơ (tăng trương lực cơ), giảm động tác.

Cuối cùng, các cơ bắp người bệnh cứng đờ khiến họ mất khả năng tự di chuyển và buộc phải cần đến sự trợ giúp của xe lăn hoặc người khác.

Xem thêm: Hiểu đúng về các giai đoạn của bệnh Parkinson

Phương pháp điều trị bệnh Parkinson

- Mục đích điều trị: Parkinson là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi, người bệnh sẽ phải điều trị suốt đời trong đó mục tiêu điều trị lớn nhất là làm giảm các triệu chứng của bệnh như: run, cứng cơ, giảm động tác; làm chậm lại tiến trình phát triển của bệnh; giúp phục hồi khả năng vận động của cơ thể và tăng cường sức khỏe toàn trạng.

- Phương pháp điều trị: Việc điều trị bằng thuốc hiện nay còn nhiều hạn chế do tình trạng mất hiệu lực thuốc điều trị sau 3 – 5 năm sử dụng và còn nhiều tranh cãi trong việc lựa chọn thuốc. Do vậy bên cạnh việc dùng thuốc các biện pháp chăm sóc và vật lý trị liệu có một vai trò quan trọng trong việc giúp cho người bệnh giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chăm sóc người bệnh Parkinson cần chú ý tới chế độ ăn uống, tập luyện (ảnh minh họa)

Chăm sóc người bệnh Parkinson cần chú ý tới chế độ ăn uống, tập luyện (ảnh minh họa)

Chăm sóc bệnh nhân Parkinson như thế nào?

- Chế độ ăn cho người parkinson: Bệnh nhân cần được ăn đủ chất, thức ăn dễ tiêu, nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước tránh táo bón ngăn ngừa các bệnh đường ruột. Nên điều chỉnh cân bằng 4 nhóm thực phẩm thiết yếu và chia tỷ lệ giữa các nhóm thực phẩm như sau: 2-3 phần thịt, 4-5 phần rau và hoa quả, 2-3 phần sữa và ít nhất là 6 phần ngũ cốc. Không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật, Cholesterol và nhiều Protein.

- Động viên tinh thần: Thông thường người bệnh Parkinson thường dễ bị trầm cảm, nên rất cần được chia sẻ, nâng đỡ tinh thần. Nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng trầm cảm nặng thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được giúp đỡ, không nên để tình trạng này kéo dài quá lâu.

- Chế độ tập luyện người bệnh parkinson: Người bệnh nên tập luyện và vận động hằng ngày. Các hoạt động thường xuyên sẽ làm hệ cơ khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Đi bộ thường xuyên là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất (người bệnh nên duy trì khoảng 1,5km/ngày), bơi, chơi golf hoặc khiêu vũ, kéo giãn và cố định tư thế, một số trường hợp có thể luyện tập gắng sức như đi bộ nhanh hoặc mang vật nặng, tập vận động thụ động với sự giúp đỡ của người khác hoặc dụng cụ để cải thiện tư thế, dáng đi và khả năng di chuyển... Thực hiện chế độ luyện tập thường xuyên song song với việc dùng thuốc sẽ giúp tăng sự linh hoạt cho hệ cơ của người bệnh.

Dưới đây là một số động tác tập luyện đơn giản người bệnh Parkinson nên áp dụng

- Đi bộ và xoay người: Đi theo đường thẳng, bước từng bước dài và dạng tách hai chân để giữ thăng bằng tốt hơn, đong đưa hai tay đều đặn, khi cần xoay lại hãy đi thành đường cung tròn.

- Tập "đi" khi đang ngồi: Ngồi trên ghế có lưng tựa, lần lượt nhấc đầu gối phải và trái lên cao như khi đang đi bộ. Lặp lại động tác này 10 lần.

- Ngồi lên khỏi giường khi đang nằm: Xoay người nằm nghiêng và co hai đầu gối lại. Trước tiên, đặt hai chân ra khỏi giường sau đó dùng hai tay để chống trên mặt giường để ngồi dậy.

 Vật lý trị liệu giúp người bệnh Parkinson cải thiện và duy trì chức năng vận động

 Vật lý trị liệu giúp người bệnh Parkinson cải thiện và duy trì chức năng vận động

- Kéo vai: Ngồi hoặc đứng với lưng thẳng đứng, hai tay để phía trước, hai bàn tay và hai khuỷu tay áp sát nhau. Đưa hai tay ra hai bên càng xa càng tốt sao cho hai bả vai sau lưng co lại gần nhau. Đưa tay về vị trí cũ ở trước mặt. Lặp lại động tác này 10 lần.

- Đứng lên và ngồi xuống: Chọn những loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc chắn. Khi muốn đứng lên phải nghiêng người về phía trước và dùng hai tay vịn vào bờ ghế để đẩy lên. Khi muốn ngồi xuống, quay lưng về phía ghế và nghiêng người về phía trước rồi từ từ ngồi xuống, dùng hai tay vịn trên tay nắm của ghế.

- Động tác vặn người: Ngồi trên ghế, hai tay để trên vai và xoay phần trên của cơ thể từ phải qua trái và ngược lại. Làm càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 10 lần.

Tóm lại, việc chăm sóc cho người bệnh Parkinson cần nhiều thời gian, kiên nhẫn và cần thường xuyên khuyến khích động viên nâng đỡ về tinh thần. Việc khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách, xem phim, nhắc nhở uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, ăn uống đầy đủ các thức ăn bổ duỡng giúp não bộ người bệnh phải hoạt động thường xuyên, tránh ì trệ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị.

Xem thêm: Chữa bệnh Parkinson bằng Đông y như thế nào cho hiệu quả?

Theo báo Sức khỏe – đời sống